Phát triển lâm nghiệp bền vững: Giải pháp căn cơ để ứng phó BĐKH

Khánh Ly| 27/04/2021 13:09

(TN&MT) - Xác định rừng là thành tố quan trọng trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn tới được xây dựng để nâng cao chất lượng rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào mở rộng diện tích, khối lượng sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng rừng hiện có, gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp.

Tăng dày mảng xanh

Tại Hội nghị triển khai một số Văn bản của Chính phủ trong lĩnh vực lâm nghiệp vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, trong 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, ngành Lâm nghiệp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn. Năm 2020, tổng diện tích rừng đạt trên 14,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng 42%. Cơ cấu 3 loại rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh môi trường. Bên cạnh đó, kinh tế lâm nghiệp đã giúp nhiều địa phương có nguồn thu ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động. Sự tăng trưởng của độ che phủ rừng có thể nói là một trong những “chìa khóa” giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với Đề án 1 tỷ cây xanh, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm phần nào bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đề án sẽ tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng chung tay, góp sức, đồng lòng thực hiện với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh"; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược.

Triển khai trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, các địa phương cần rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp cho phát triển rừng và trồng cây xanh, đặc biệt là các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để xác định các khu vực ưu tiên trồng cây. Quỹ đất phát triển cây xanh phải đủ lớn, ổn định, lâu dài. Đề án cũng nhấn mạnh việc chủ động bố trí ngân sách địa phương và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia, chung tay xã hội hóa nguồn lực thực hiện Đề án. Về lâu dài, việc tăng dày các mảng xanh sẽ làm tăng khả năng phòng hộ, góp phần giảm nhẹ những thiệt hại do bão lũ và thiên tai gây ra.

Nâng cao chất lượng rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: MH

Đòn bẩy cho ngành gỗ hợp pháp

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt trên 13 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ở vị trí thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á. Dù vậy, thách thức vẫn hiện hữu khi diện tích rừng tăng nhưng chất lượng rừng còn hạn chế, năng suất rừng trồng tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, chủ yếu gỗ nhỏ, chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Dự kiến đến năm 2030, tổng thu từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng có thể tới 4.300 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020. Trong đó, phần lớn đến từ các cơ sở thủy điện, các cơ sở sản xuất nước sạch, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ rừng.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, để thực hiện tốt Chiến lược, ngành Lâm nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên; phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với quá trình cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Muốn làm được điều này, trong giai đoạn tới, công tác nghiên cứu chọn tạo giống cây lâm nghiệp sẽ được đẩy mạnh, phấn đấu 90% diện tích rừng trồng là từ nguồn giống cây lâm nghiệp đã được công nhận. Bên cạnh đó, chú trọng đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp theo tiêu chuẩn quốc tế cho các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường khó tính.

Theo ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cần thúc đẩy hình thành những doanh nghiệp lớn, khu công nghiệp lớn sản xuất và chế biến hiện đại mang tầm cỡ khu vực và thế giới để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, phát triển các hình thức thương mại hiện đại, cùng với xây dựng thương hiệu gỗ Việt, sử dụng nguồn gỗ hợp pháp và mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ nhằm đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.

Đơn cử, tỉnh Tuyên Quang là một trong những địa phương đi đầu về trồng rừng có chứng chỉ bền vững FSC, đảm bảo tốt đầu ra cho bà con nông dân. Bà Mai Thị Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, kinh tế lâm nghiệp được lãnh đạo tỉnh và các địa phương quan tâm phát triển bằng các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, liên kết với nông dân trồng rừng. Hiện, tỷ lệ che phủ rừng của Tuyên Quang đạt tới 62,5%, cao hơn bình quân chung cả nước. Diện tích rừng có chứng chỉ FSC đạt 35.000 ha.

Sẽ thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon rừng với hai ngành nhiệt điện than và xi măng. Các ngành phát thải lớn khác như sản xuất năng lượng, sản xuất thép, giao thông vận tải... sẽ được áp dụng sau đó. Dự kiến đến năm 2030, tổng mức thu từ nguồn này có thể đạt khoảng 630 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển lâm nghiệp bền vững: Giải pháp căn cơ để ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO