Phát triển kinh tế biển bền vững

Ngọc Lý| 09/06/2020 14:13

(TN&MT) - Biển đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam; các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới; thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển.

Tuy vậy, để chuyển từ tiềm năng thành hiện thực, phát triển kinh tế biển bền vững, cân bằng sinh thái, giữ biển trong lành và an toàn cho nhiều thế hệ mai sau là bài toán lớn cần có lời giải đồng hành với việc tổ chức thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Hiện tại, ngay trong cách tiếp cận phát triển kinh tế biển của chúng ta vẫn cần phải bổ sung và và hoàn chỉnh một số nội dung. Thứ nhất, là cách thức khai thác biển vẫn mới chỉ ở “đánh bắt ven bờ”. Thứ hai, thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chưa rõ tầm nhìn toàn cầu và thời đại trong công cuộc phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hiện đại.

Trên thực tế, các khu kinh tế biển của Việt Nam cho đến nay là sự lập lại mô hình khu công nghiệp ở đất liền đem ra biển khi gắn thêm vào đó cảng biển. Cảng biển trở thành hạt nhân trong định hình các khu kinh tế biển, kéo theo đó là sự đầu tư rất lớn cho khu cảng. Cái cần thiết, đáng ra là định hình khu kinh tế, xây dựng đô thị để thu hút nguồn lực, con người, cơ chế thật tốt để khuyến khích đầu tư, khởi nghiệp, nguồn lực bị phân tán vào công trình cảng, mà cả khi xây xong cũng không biết hàng hóa lấy ở đâu, chuyên chở đi đâu.

Ảnh minh họa

Sự dàn trải vốn đầu tư của Nhà nước và phân tán các nhà đầu tư, khiến cho, phát triển kinh tế biển của Việt Nam mới chỉ nằm ở dạng tiềm năng là chính.

Vì vậy, chúng ta cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế biển, trong đó, kinh tế biển cần phải đặt ở một tầm nhìn mới vào mô hình tăng trưởng mới theo phương thức kết hợp: khai thác mặt tiền và tự do hóa thương mại.

Để phát triển kinh tế biển bền vững, trước hết, các hoạt động cần bảo đảm đạt được các chỉ tiêu tổng hợp, các mục tiêu về kinh tế biển, xã hội, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển đã được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tập trung 5 lĩnh vực quan trọng cần đổi mới và đột phá. Đó là: Tập trung rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; coi khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao là phương tiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, nâng cao hiệu quả phối hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn cao; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, thực hiện tốt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030…

Mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đưa ra phải hướng đến sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đồng hành với quá trình đẩy nhanh các hoạt động kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền và quyền chủ quyền biển, đảo của nước ta. Đẩy mạnh điều tra, khảo sát, nghiên cứu để hiểu hơn về biển, cũng cố thông tin về tài nguyên và môi trường biển, tiến tới hiểu rõ về tài nguyên dưới đáy biển, tiềm năng băng cháy, khả năng ứng dụng năng lượng thủy triều, sóng biển…; bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển; bố trí không gian và phát triển các vùng biển phù hợp với sinh thái của từng vùng; phát triển các ngành kinh tế biển bền vững; kiểm soát các nguồn ô nhiễm từ đất liền; phòng ngừa ô nhiễm từ các hoạt động trên biển và ô nhiễm xuyên biên giới; phòng chống thiên tai, ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Tất cả với mục tiêu phát triển biển bền vững, giữ biển trong lành cho nhiều thế hệ mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế biển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO