Môi trường

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Nỗ lực vì một đại dương không rác thải nhựa

Minh Thư 27/06/2024 - 10:30

Ô nhiễm rác thải biển nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng đang được xem là vấn đề cấp bách toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm biển và rác thải nhựa biển, nhưng cũng là quốc gia có trách nhiệm, chủ động tích cực trong giảm rác thải đại dương. Đóng góp chung và nỗ lực giảm nhựa, bảo vệ môi trường biển của đất nước, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đơn vị được Bộ TN&MT giao trọng trách quản lý TNMT biển, đã thực thi nhiều chính sách quan trọng hướng đến một đại dương không rác thải nhựa trong tương lai.

Tích cực triển khai hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương

Ngày 04 tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương (RTNĐD) đến năm 2030. Tiếp sau đó, ngày 21/8/2020, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã ký Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, Bộ TN&MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa ở khu vực ven biển, các hải đảo và từ các hoạt động trên biển; chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có liên quan đến rác thải nhựa đại dương…

van-nhat-wwf-viet-nam-trung-bay-cac-sang-kien-giam-thieu-rac-thai-nhua-truoc-gio-bat-dau-chuong-trinh-2-.jpg
Phối hợp với nhiều địa phương xây dựng mô hình giảm nhựa

Triển khai nội dung này, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thông qua tài trợ của Bộ Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức Đức đã xây dựng và triển khai Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Dự án được chính thức phê duyệt và triển khai ở cấp trung ương và 10 tỉnh/thành phố, quận (huyện)/thị xã, bao gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình (Đồng Hới), Thừa Thiên Huế (A Lưới), Đà Nẵng, Quảng Nam (Cù Lao Chàm), Phú Yên (Tuy Hòa), Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Long An (Tân An), Kiên Giang (Rạch Giá và Phú Quốc).

Dự án được thực hiện với kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Đến nay, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã được triển khai sâu rộng và toàn diện, các hoạt động dự án của các hợp phần đã thu về được nhiều kết quả tích cực trong việc góp phần hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện luật Bảo vệ Môi trường 2020, các nghị định và thông tư dưới luật liên quan đến quản lý chất thải rắn và chất thải nhựa; có thêm nhiều địa phương cam kết trờ thành Đô thị Giảm nhựa. Điều đáng chú ý, tại các địa phương, thông qua các hoạt động của Dự án, nhiều trường học đã xây dựng và triển khai chương trình giáo dục về giảm rác thải nhựa, hàng ngàn tấn và mét khối được thu gom nhằm ngăn chặn sự thất thoát ra môi trường biển, làm sạch các khu bảo tồn biển quan trọng Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm.

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết: Qua các hoạt động được triển khai và giám sát tại địa phương, có thể thấy, các địa phương đã tham gia, hợp tác và phối hợp tích cực với các cán bộ của dự án, trao đổi và đề xuất các chương trình địa phương mong muốn triển khai và tham gia tích cực đem lại nhiều kết quả rất khả quan. Các hoạt động của Dự án đã đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dụng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Dự án cũng tạo ra tác động truyền thông 2 chiều thúc đẩy việc thay đổi hành vi trong xã hội. Từ việc tuyên truyền chính sách và các kế hoạch hành động cấp quốc gia đã tạo ra động lực thay đổi tới các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp, hộ gia đình và các cá nhân; Tại những điểm có các phong trào bảo vệ môi trường, có các chương trình và hoạt động truyền thông nhận thức, thái độ và hành vi của các nhóm đối tượng truyền thông mục tiêu đều trở nên tích cực hơn. Nhiều chương trình, phong trào, chiến dịch, sự kiện truyền thông đã được tổ chức với quy mô và hình thức đa dạng, tiếp cận nhiều nhóm công chúng mục tiêu với các thông điệp tiếp cận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tất cả các hoạt động đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý đối với phong trào chống rác thải nhựa tổng thể trên toàn quốc. Các hoạt động truyền thông được thực hiện song song với việc triển khai các mô hình và biện pháp can thiệp cụ thể tại từng địa phương đã tạo từ đó hình thành sự cộng hưởng giữa các hoạt động với hiệu quả cao hơn.

Dự án cũng đã thực hiện hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật và kế hoạch hoạt động nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn, bao gồm cả trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility - EPR). Theo đó, việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật và kế hoạch hoạt động nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn đã thu được những kết quả đột phá và kịp thời từ các hoạt động nghiên cứu/đánh giá, tham vấn và khuyến nghị,… qua đó góp phần hoàn thiện khuôn khổ chính sách và thể chế nhằm tăng cường quản lý hiệu quả chất thải rắn và đưa hệ thống EPR quy định triển khai ở cấp quản lý quốc gia và địa phương. Góp phần triển khai những hoạt động mang tính hỗ trợ, đảm bảo cam kết của Việt Nam trong việc tham gia một Hiệp ước toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa, bao gồm quản lý rác thải nhựa đại dương.

Ngoài ra, để có thể đạt được các mục tiêu, chỉ số của Dự án cũng như tạo ra sự thay đổi toàn diện cả về nhận thức, lẫn hành vi của các bên liên quan trong việc giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam, Dự án cùng các đối tác ở các cấp khác nhau đã và đang triển khai các gói hoạt động cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý, thu gom, phân loại - xử lý rác, tăng tỷ lệ thu hồi rác tái chế; tích cực tuyên truyền, giáo dục; thúc đẩy việc xử lý và xoá các điểm nóng về rác thải nhựa… đồng thời gắn kết các bên liên quan trong xã hội để cùng nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa. Rất nhiều các mô hình hay, thực hành tốt, đem lại các kết quả tích cực đã được ghi nhận và nhân rộng tại các địa bàn tham gia chương trình Đô thị Giảm nhựa.

Dự án đã phối hợp với các địa phương tiến hành thực hiện nghiên cứu đầu vào để đánh giá về hiện trạng quản lý và phát sinh rác thải của các địa bàn. Từ đó, xác định những nguồn phát thải chính, những điểm nóng ô nhiễm và các nguyên nhân gây thất thoát rác nhựa. Với kết quả này, đặc biệt là sơ đồ dòng thải của các địa phương, Dự án hỗ trợ xây dựng, tham vấn và từ đó thúc đẩy các địa phương ban hành thành công kế hoạch hoạt động Quản lý RTN của địa phương dựa trên Kế hoạch Quốc gia về Quản lý RTN đại dương đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 4/12/2019.

Đặt nền móng quan trọng cho Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Đề án dựa trên quan điểm thực hiện chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả.

Với 6 nhiệm vụ chính được đưa ra bao gồm: Xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán; Thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu; Bố trí nguồn lực công tác chuẩn bị đàm phán, Thiết lập cơ chế điều phối; Huy động hỗ trợ trong nước và quốc tế; Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia, Đề án hướng tới mục tiêu bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền, lợi ích và nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.

cuoc-hop-lan-thu-1.jpg
Việt Nam tham gia tất cả các phiên đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện Đề án. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao là cơ quan chủ trì tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch và triển khai Đề án. Để triển khai nhiệm cụ này, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã cùng các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ tổ chức hàng loạt các sự kiện, hội thảo, hội nghị nhằm xây dựng các kịch bản khác nhau để chủ động tham gia trong tiến trình hình thành Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) và thể hiện sự ủng hộ của mình bằng việc cử đại diện tham gia Nhóm công tác đặc biệt về rác thải nhựa đại dương của Hội đồng môi trường của Liên hợp quốc (AHEG). Tại Phiên họp AHEG lần thứ 3, Việt Nam đã thể hiện quan điểm: “Chúng tôi nhận thấy vấn đề rác thải đại dương và vi nhựa là vấn đề đáng quan tâm. Các thách thức về rác thải đại dương và vi nhựa là vấn đề toàn cầu và đòi hỏi các giải pháp và sáng kiến toàn cầu phù hợp với các ưu tiên vùng và quốc gia”.

Đồng thời, vào tháng 9/2021, Việt Nam cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương với mục tiêu xây dựng động lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã được tạo ra từ rất nhiều cuộc thảo luận quốc tế trước đó và đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này tại UNEA-5.2. Một trong những kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị là 76 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng nhằm xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.
Với việc thông qua Tuyên bố này, Việt Nam đã tiến thêm bước nữa trong việc tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của mình với cộng đồng quốc tế, góp phần gửi tín hiệu mạnh mẽ tới UNEA-5.2 về sự ủng hộ rộng rãi đối với việc thành lập Ủy ban Đàm phán liên chính phủ để bắt đầu tiến trình đàm phán cho một Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Hiện nay, Ủy Ban môi trường Liên Hiệp quốc đã tổ chức 4 kỳ đàm phán và Việt Nam luôn tham gia với tư cách nước thành viên tích cực, năng động chống lại ô nhiễm nhựa. Theo dự kiến, một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa mang tính ràng buộc về pháp lý sẽ được đưa ra vào kỳ họp thứ 5 diễn ra vào cuối năm 2024. Mặc dù còn rất nhiều quan điểm khác nhau giữa các quốc gia để đi đến một Thỏa thuận cuối cùng, song Đoàn Việt Nam luôn tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm tại các cuộc họp.
Trong quá trình thảo luận, Đoàn cũng đã phối hợp với các Đoàn trong khu vực ASEAN và một số quốc gia khác để ủng hộ lẫn nhau trong quá trình đề xuất nội dung. Đồng thời Việt Nam luôn tham gia thảo luận trên tinh thần bám sát quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường vận động, thu hút nguồn lực về tài chính và công nghệ để thực hiện Thỏa thuận trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Nỗ lực vì một đại dương không rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO