Phát triển đô thị ở Khánh Hòa: Thích ứng với biến đổi khí hậu

Xuân Lam| 13/01/2022 14:04

(TN&MT) - Những đợt mưa lớn xảy ra vào cuối năm 2021 vừa qua đã khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị ngập nặng, gây khó khăn cho việc đi lại và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân được xác định do biến đổi khí hậu, mưa bão diễn ra liên tục, một phần chưa kịp thích nghi, một phần do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, phù hợp với thực tế hiện nay.

Người dân sống tại xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang - một vùng thấp trũng của thành phố phản ánh, trước đây dù cho mưa lớn mấy ngày cũng không ngập nặng đến mức nước tràn vào trong nhà, nhưng những năm gần đây, đặc biệt là những trận mưa cuối năm 2021 vừa qua, nước dâng cao khắp nơi khiến nhiều nhà dân nơi đây ngập nặng.

Còn với xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, người dân cho biết, khu vực họ sống nằm ở hạ lưu sông nên mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi các dự án chỉnh trang đô thị triển khai đồng loạt thì tình trạng ngập tại khu vực này càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân chính là do tình trạng san nền dự án cao hơn cao trình khu dân cư cũ. Đồng thời, các dự án chỉnh trang đan xen giữa các khu dân cư khiến nước không thoát được dẫn đến ngập cục bộ.

Những đợt mưa lớn xảy ra vào cuối năm 2021 khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị ngập nặng

Ngoài ngập khu dân cư, mưa lớn cũng gây ngập ở các tuyến đường huyết mạch của thành phố Nha Trang. Trên khu vực đường 23/10, hệ thống cống bị hư hỏng nặng, nhiều tấm đan bị vỡ, sập, gây đọng nước; mưa lớn cộng sạt lở đất kéo dài cũng khiến một số vị trí mặt đường xuống cấp, rạn nứt chân chim, có chỗ tạo thành ổ gà, gây khó khăn cho người đi lại.

Một điểm cũng thường xuyên bị ngập trong nhiều năm trở lại đây là đại lộ Nguyễn Tất Thành, đoạn từ Khu dân cư Hòn Rớ 2 đến Trường Chính trị tỉnh. Các cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân gây ngập đường khu vực này được xác định là do hệ thống thoát nước dự án cơ sở hạ tầng Khu dân cư Hòn Rớ 2 chưa hoàn thiện. Còn dọc trên đại lộ Võ Nguyên Giáp, nơi giáp ranh giữa thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh, nước ngập chảy xiết, nhiều trường hợp xe khách lưu thông qua đây bị chết máy, gây nguy hiểm cho hành khách trên xe.

Nhiều năm nay, người dân sống dọc bờ sông Dinh, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã quen với cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lớn. Ông Phan Năm, sống tại xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa cho biết: "Chúng tôi đã quen với việc sống ở vùng thấp trũng sẽ bị ngập. Do đó, khi có điều kiện thời tiết bất lợi, mưa lớn, nước ở sông dâng cao, giải pháp tốt nhất là lập chốt rào chắn, cảnh báo mức nước ngập nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại".

Cùng cảnh với thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh cũng xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài trong đợt mưa cuối năm 2021 vừa qua, nước đầu nguồn đổ về kết hợp với triều cường dâng khiến nước mưa không thoát kịp, gây ngập cục bộ trong các khu dân cư của huyện. Ngoài ra, tình trạng ngập nặng nhất phải kể đến thành phố Nha Trang và một số xã của huyện Diên Khánh.

Dọn rác bãi biển góp phần làm xanh đô thị biển

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, mưa lớn kéo dài, kết hợp xả hồ, đập khiến cho một số vùng trũng của thành phố Nha Trang ngập nặng. Trước mỗi mùa mưa bão, UBND thành phố Nha Trang đều yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện những giải pháp đảm bảo thoát nước, chống ngập. Tuy nhiên, đó chỉ là nhiệm vụ trước mắt, còn về lâu dài rất cần một giải pháp căn cơ.

“Ngập lụt ở thành phố Nha Trang và một số nơi trong những năm qua và đặc biệt trong đợt mưa cuối năm 2021, nguyên nhân chính là do lượng mưa tập trung quá lớn. Lượng mưa đo được cả đợt tại các điểm như thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Khánh Vĩnh đều xấp xỉ trên dưới 300mm. Đây là lượng mưa lớn và kéo dài lâu nhất trong những năm gần đây. Ngoài mưa tại thành phố Nha Trang, mưa đổ từ đầu nguồn về khiến nước sông Cái dâng cao nên mới gây ngập lụt trong nhiều ngày ở thành phố Nha Trang”, bà Lan cho biết thêm.

Cũng theo bà Lan, những năm gần đây, nhất là từ năm 2016, do biến đổi khí hậu, mưa bão diễn ra liên tục, người dân một phần chưa kịp thích nghi, một phần do cơ sở hạ tầng của tỉnh vẫn còn chưa đáp ứng nên còn gặp khó khăn trong công tác ứng phó. Các biện pháp công trình như: xây kè, hồ chứa nước, cột mốc bão lũ, xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt; các dự án triển khai xây dựng Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang; Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang… đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua.

Cùng với đó, trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và lập chương trình phát triển đô thị, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá thực trạng phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh trong tương lai; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp gắn với tăng trưởng xanh tại các đô thị.

Ngân hàng thế giới (WB) đang cùng với tỉnh Khánh Hòa triển khai Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang với tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng. Dự án đặt ra các mục tiêu: nâng cao công suất hoạt động nhà máy xử lý nước thải phía Nam, giải quyết tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường khu vực phía Bắc thành phố, cải thiện vệ sinh môi trường, tăng cường khả năng thoát lũ và chống sạt lở hai bên bờ sông Cái kết hợp nâng cấp hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thành phố theo quy hoạch…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đô thị ở Khánh Hòa: Thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO