Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng muốn giàu thì cần chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
"Đây là một hành trình cần sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia và cần thiết có một cơ quan điều phối. Tư duy kinh tế cần và phải được dẫn dắt bởi cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia nhiệt thành của các nhà khoa học. Vì vậy, trong khi chúng ta kiến nghị có một cơ chế điều phối cấp Vùng trong điều kiện còn rất nhiều điều băn khoăn, lúng túng về cơ chế, thể chế, thì tại sao chúng ta không hình thành một thiết chế với tên gọi "hiệp hội cho từng ngành hàng chủ lực" trong Vùng? Đây chính là thiết chế đa thành phần, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý chuyên ngành và những người nông dân, mà đại diện là các hợp tác xã, Hội quán.”- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhận định.
Ông Hoan cũng cho biết: “Trong những lần chia sẻ tại các diễn đàn và trên phương tiện truyền thông, tôi ít đề cập cũng như "than thở" về "vùng trũng hệ thống hạ tầng" của vùng ĐBSCL chúng ta. Tôi luôn có suy nghĩ rằng, thay vì mất quá nhiều công sức để đưa ra kiến nghị nhằm tháo gỡ các nút thắt đó, thì chúng ta có thể cùng nhau "tự cứu mình trước khi trời cứu”.
GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: ĐBSCL là vùng có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đóng góp hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên.
Ông Toàn cũng cho rằng: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL.