Phạt nặng hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thủy sản

16/05/2018 09:45

(TN&MT) – Xin hỏi, đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời

Câu hỏi của Bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo Nghị định 64/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị phạt tiền. Cụ thể mức phạt như sau:

Từ 50 đến 60 triệu đồng khi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS).

Từ 70 đến 80 triệu đồng khi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến mức truy cứu TNHS nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có một trong các quyết định sau: Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định đình chỉ điều tra; Quyết định đình chỉ vụ án.

Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm gấp đôi mức phạt tiền cá nhân.

chan nuoi ca
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Ngoài phạt tiền,  căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Một số các biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản gồm:

- Buộc thu hồi giống vật nuôi; sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

- Buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

- Buộc chuyển đổi Mục đích sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giống vật nuôi;

- Buộc tái xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giống vật nuôi;

- Buộc tiêu hủy chất cấm; sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản; vật nuôi, thủy sản; giống vật nuôi;

- Buộc hủy kết quả khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

- Buộc sửa đổi thông tin đối với lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo;

- Buộc cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi, thủy sản đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ hoặc thu hoạch;

- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;

- Buộc di chuyển cơ sở sản xuất giống thủy sản;

- Buộc cải chính kết quả khảo nghiệm, kiểm định.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạt nặng hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO