PGS trẻ nhất của ngành TN&MT: Muốn đưa công nghệ thông tin “dẫn đường” cho việc hiện đại hóa ngành TN&MT

19/11/2013 00:00

Trong thời gian ngắn chưa đầy 3 năm, gần 80 công trình khoa học của PGS Lê Trung Thành, đã đóng góp vào sự phát triển của trường ĐH TN&MT

   
(TN&MT) - Tôi đã từng may mắn được trò chuyện, viết bài về nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) trẻ tuổi của Việt Nam và lần nào họ cũng làm tôi cảm phục vô cùng. Và cảm giác ấy lại tiếp tục chinh phục tôi khi được tiếp xúc với PGS. TS. Lê Trung Thành, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT)…
   
Chủ nhiệm khoa ở tuổi 31
   
  PGS. TS. Lê Trung Thành  tâm sự, từ nhỏ anh đã yêu thích môn toán, niềm đam mê này có lẽ được truyền từ cha anh, cũng là PGS Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội. Với điểm thi tuyệt đối về môn toán vào các trường đại học năm 1998, song anh đã chọn theo đuổi ngành điện tử - viễn thông tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
  Năm 2003, sau khi tốt nghiệp kỹ sư với tấm bằng loại giỏi, anh tiếp tục được theo học khóa thạc sĩ theo chế độ chuyển tiếp sinh và đồng thời được tuyển dụng trở thành giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khóa thạc sĩ, từ năm 2006, thạc sĩ Lê Trung Thành được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi nghiên cứu sinh tại Trường Đại học La Trobe, Úc theo chương trình đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ xuất sắc của mình.
   
PGS. TS Lê Trung Thành nhận Giấy Chứng nhận PGS tại Văn Miếu ngày 18/11/2013
    
   
  Với nhiều công trình nghiên cứu khoa học hướng theo lĩnh vực xử lý thông tin quang tốc độ cao, tính toán lượng tử và cảm biến quang ứng dụng trong quan trắc môi trường được công bố trên các tạp chí quốc tế có giá trị, nghiên cứu của anh đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến tính toán, xử lý thông tin tốc độ cao và bảo mật dữ liệu tài nguyên - môi trường. Luận án tiến sĩ của anh đã được các nhà xuất bản của Cộng hòa liên bang Đức và Đan Mạch biên tập xuất bản thành sách chuyên khảo và phát hành ở nhiều quốc gia.
   
  Cũng giống nhiều nhà khoa học, dù được đào tạo bài bản ở nước ngoài nhưng PGS. TS. Lê Trung Thành vẫn chọn cho mình con đường lập nghiệp và cống hiến tại quê nhà, bởi trong sâu thẳm lòng mình, PGS vẫn nghĩ rằng, đó là cách tốt nhất để mình có thể trực tiếp chia sẻ tình yêu của mình cho các bạn trẻ có cùng đam mê như anh. Trở về giảng dạy tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường năm 2010, đến năm 2011, anh được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Công nghệ thông tin khi bước sang tuổi 31 và thực hiện hướng dẫn nhiều học viên cao học về công nghệ thông tin, đặc biệt trong số những thạc sĩ đó đã có hai người được PGS tiếp tục hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ.
   
Chỉ muốn âm thầm giảng dạy và nghiên cứu
   
  Trong thời gian rất ngắn – chưa đầy 3 năm, gần 80 công trình khoa học của PGS Lê Trung Thành ra đời giúp anh nhận được vinh dự của ngày hôm nay – PGS trẻ nhất ngành Tài nguyên và Môi trường. Nhưng khi nói về chức danh PGS thì anh lại khá kiệm lời, anh bảo đó là may mắn. May mắn được làm việc trong môi trường thuận lợi, say mê nghiên cứu khoa học, may mắn vì có những đồng nghiệp cùng đam mê như anh. Và  chỉ đến khi nói về công việc giảng dạy, nghiên cứu anh mới sôi nổi, say mê.
   
  Anh chia sẻ với chúng tôi, các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường rất rộng lớn, lĩnh vực nào cũng cần đến các ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý. Hiện tại, các chương trình của Khoa Công nghệ thông tin của trường Đại học TNMT Hà Nội ngoài cung cấp kiến thức gốc của ngành điện tử, công nghệ thông tin, còn cung cấp cho sinh viên kiến thức để ứng dụng giải quyết các vấn đề thiết thực đặt ra trong ngành TN&MT qua các nhóm môn học như: Xử lý ảnh số, xử lý ảnh viễn thám, hệ thống thông tin địa lý, hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường, xử lý số, lập trình web, cơ sở dữ liệu nâng cao...
   
  Ngay bản thân các thầy, cô giáo trong khoa có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin song  kiến thức về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường thì không thật chuyên sâu. Do vậy nhiệm vụ đặt ra là phải nghiên cứu các vấn đề cốt lõi trong ngành như quản lý tài nguyên môi trường, quản lý đất đai, dự báo, khí tượng, thủy văn... mà có thể ứng dụng điện tử, công nghệ thông tin để từ đó hiểu biết được công nghệ điện tử, công nghệ thông tin phục vụ gì trong các lĩnh vực này.
   
  Đảm nhận trọng trách là Trưởng khoa khi còn rất trẻ, bên cạnh nhiều thuận lợi thì áp lực cho bản thân là rất lớn. Anh cho biết, “Mình xác định điện tử, công nghệ thông tin trong trường Đại học TN&MT Hà Nội như một ngành "cơ bản của ngành TN&MT" phục vụ và ứng dụng giải quyết các vấn đề thiết thực đặt ra cho ngành. Vì vậy, bản thân mình cùng các đồng nghiệp phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu chương trình đào tạo của cả các ngành khác trong trường và phối hợp với các đơn vị trong ngành để có hiểu biết sâu hơn về điện tử, công nghệ thông tin có thể ứng dụng vào đâu, như thế nào trong ngành TN&MT”.
   
   Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đam mê nghiên cứu khoa học, PGS. TS. Lê Trung Thành góp phần xây dựng thương hiệu trường Đại học TN&MT Hà Nội là địa chỉ đào tạo uy tín nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường.
   
Minh Anh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS trẻ nhất của ngành TN&MT: Muốn đưa công nghệ thông tin “dẫn đường” cho việc hiện đại hóa ngành TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO