Petrovietnam62 năm kiên định giữ vững vai trò đầu tàu
Ngày 27/11/1961, tổ chức dầu khí đầu tiên tại Việt Nam - Đoàn Thăm dò dầu lửa được thành lập. Trải qua hơn 6 thập niên với biết bao thăng trầm, các thế hệ người lao động dầu khí đã nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm thực hiện ước nguyện Chủ tịch Hồ Chí Minh trao gửi: “Xây dựng ngành công nghiệp dầu khí mạnh”. Đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam, chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành “đầu tàu” của nền kinh tế Việt Nam.
Giữ vai trò công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô
Kể từ khi tấn dầu thô đầu tiên được khai thác năm 1986, ngành Dầu khí Việt Nam đến nay đã khai thác được khoảng 430 triệu tấn dầu trong nước và khoảng 180 tỉ m3 khí. Hoạt động dầu khí bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Không những bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước, ngành Dầu khí còn có những đóng góp quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
Với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hằng năm, Petrovietnam cung cấp gần 9 - 11 tỉ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70 - 80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước. Petrovietnam cũng là doanh nghiệp đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện của Petrovietnam đạt 6.605MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia.
Hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ của Petrovietnam cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - công trình thế kỷ, biểu tượng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam, từ khi chính thức đưa vào vận hành đến nay đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt là đáp ứng nhiên liệu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng...
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc khu kinh tế Dung Quất, là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam xây dựng thuộc địa phận xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một trong những dự án kinh tế lớn, trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 21.
Cách đây hơn 30 năm, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro phải di chuyển chân đế giàn khoan từ Baku (Azerbaijan) sang lắp đặt ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã có thể tự chế tạo, lắp đặt, vận hành an toàn tuyệt đối các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Không những vậy, sản phẩm cơ khí chế tạo dầu khí của Việt Nam còn được xuất khẩu, góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước.
Đáng nói, từ sau năm 2015, Petrovietnam liên tục phải đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn bởi những bất ổn của nền kinh tế, áp lực giá dầu giảm sâu, đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Trong bối cảnh đó, bằng bản lĩnh, trí tuệ của “những người đi tìm lửa”, Petrovietnam đã trụ vững và tiếp tục khẳng định bằng những kết quả đáng tự hào. Petrovietnam vẫn đóng góp trung bình 10 - 13% GDP cả nước; chiếm tỷ trọng 9 - 11% tổng thu NSNN và chiếm 16 - 17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng dầu thô chiếm 5 - 6% tổng thu NSNN.
Có thể thấy, ngành Dầu khí đã trở thành ngành kinh tế đặc biệt, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ và là ngành có nhiều đóng góp đối với kinh tế - xã hội của đất nước.
Điển hình như tại Quảng Ngãi, GDP của toàn tỉnh năm 2005 tăng 11,7%, thu ngân sách chỉ đạt 500 tỉ đồng, nhưng đến năm 2016, tổng thu ngân sách của Quảng Ngãi đã đạt 22,66 nghìn tỉ đồng, trong đó thu từ NMLD Dung Quất chiếm hơn 90%. Hay như tại vùng cực Nam của Tổ quốc, Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2... đóng góp gần 30% ngân sách Cà Mau hằng năm.
Đảm bảo an ninh năng lượng và
xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia
Năm 2022, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 nhưng nhờ thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, trách nhiệm, khắc phục các khó khăn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Kết thúc năm 2022, Petrovietnam đạt kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô với 8,98 triệu tấn; sản xuất 1,88 triệu tấn phân đạm, xuất khẩu 606 nghìn tấn, đóng góp 37,4% kim ngạch xuất khẩu phân bón; sản xuất xăng dầu đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước...
Năm 2023, trong bối cảnh tác động tiêu cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị, thị trường, 10 tháng qua, Petrovietnam đã nỗ lực, linh hoạt trong quản trị, điều hành, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, an toàn, liên tục và tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, Petrovietnam hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu tài chính trước từ 1,5 - 5 tháng kế hoạch cả năm 2023 được Chính phủ, UBQLVNN và HĐTV Tập đoàn giao.
Trong đó, nộp ngân sách toàn Tập đoàn hoàn thành KH năm trước 5 tháng (đạt 78,3 nghìn tỉ đồng vào ngày 30/7/2023); thực hiện 10 tháng đạt 121 nghìn tỉ đồng, vượt 54% KH cả năm. Lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn hoàn thành KH năm trước 4 tháng (đạt 34,7 nghìn tỉ đồng vào ngày 31/8/2023); thực hiện 10 tháng đạt 44,1 nghìn tỉ đồng, vượt 27% KH năm.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành KH cả năm trước 2 tháng, 20 ngày (đạt 677,7 nghìn tỉ đồng vào ngày 10/10/2023); thực hiện 10 tháng đạt 745 nghìn tỷ đồng, vượt 10% KH năm. Tổng doanh thu hợp nhất Tập đoàn hoàn thành KH cả năm trước 2 tháng, 18 ngày (đạt 413,7 nghìn tỉ đồng vào ngày 12/10/2023); thực hiện 10 tháng đạt 440,4 nghìn tỉ đồng, vượt 6% KH năm.
Năm 2023 còn ghi nhận hàng loạt những dấu ấn quan trọng của Petrovietnam. Việc Petrovietnam cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi Dự án Lô B - Ô Môn là sự kiện quan trọng nhất, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án khí điện trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm.
Đây là công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí; có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5,06 tỉ m3/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000MW; có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung - cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Cuối tháng 10/2023, Kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải - kho cảng đầu tiên, lớn nhất Việt Nam với công suất 1 triệu tấn/năm được khánh thành đã đánh dấu một bước đột phá của Petrovietnam.
Ban lãnh đạo tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng không phải vì thành tích, mà đó là cách để tạo áp lực đổi mới, hoàn thiện cấu trúc, mô hình quản trị, phát huy tối đa nguồn lực, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cũng như tạo động lực phát triển và tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng.
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Dịch vụ dầu khí chất lượng cao cũng tạo dấu ấn khi PTSC - đơn vị dịch vụ chủ lực của Petrovietnam - đã trở thành nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ TN&MT cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi, phục vụ cho việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore. Đây cũng là một trong những dự án quan trọng góp phần hiện thực hóa bản ghi nhớ xây dựng đối tác kinh tế xanh - kinh tế số giữa Việt Nam và Singapore, chung tay hoàn thành mục tiêu đạt được 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 của Quy hoạch điện VIII, cũng như cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam tại COP26...
Có thể khẳng định, những nỗ lực của Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong những năm qua luôn gắn liền mục tiêu, khát vọng hiện thực hóa Chiến lược phát triển của Petrovietnam với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời nhấn mạnh quan điểm sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tìm kiếm và phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo...