Ông Thảo có quyền yêu cầu gia đình hàng xóm để một lối đi chung

31/01/2019 17:34

(TN&MT) - Hỏi: Ông Đặng Đình Thảo (thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) gửi đơn đến Báo Tài nguyên & Môi trường hỏi: Từ nhiều năm nay gia đình tôi bị phong tỏa tứ phía không có lối ra vào. Theo đơn, ông Thảo cho biết gia đình ông sinh sống nhiều đời ở đây cùng nhiều gia đình khác. Từ xưa ở phía trước nhà ông, có con đường đi chung rất lớn dành cho nhiều gia đình cùng đi. Nhưng từ khi một gia đình khác ở phía đầu đường đổi chủ là ông Lê Văn Tá (bà Lê Thị Thơm) thì họ chặn mất lối đi và nói rằng đất này là của gia đình họ.

Từ lâu nay, gia đình ông không biết đi hướng nào, đành xin lách qua một khe hẹp phía sau nhà qua vườn của 1 gia đình khác. Điều đó rất bất tiện vì lối này phải trèo qua tường chứ không dắt xe qua được. Mặc dù chính quyền cũng xác nhận đây là con đường đi chung nhưng không có 1 biện pháp dứt điểm khiến gia đình ông khổ sở lâu nay.

Hồ sơ và bản đồ đất đai tại địa phương từ các năm 1979, 1986 đều thể hiện đây là con đường đi chung của xóm phố Đông Nam. Nhưng theo bản đồ xã Ninh Mỹ (Thiên Tôn cũ) lập năm 1996, lối đi chung này lại biến mất và thành phần đất của gia đình bà Thơm. Bản đồ lập năm 2008 đã trả lại nguyên trạng như cũ và thể hiện đây vẫn là lối đi chung. Điều này cũng được cán bộ địa chính xã năm 2017 chứng thực. Kính nhờ Báo TN&MT tư vấn giúp?
Xin trân trọng cảm ơn!

Về vấn đề này, Văn phòng Luật sư Hanel tư vấn như sau:

Theo thông tin của ông Đặng Đình Thảo cung cấp thì gia đình ông không có lối đi ra và sau nhiều lần khiếu nại, phản ánh đến các cấp chính quyền thì hiện nay UBND thị trấn đã xuống giải tỏa con đường thông thoáng nhưng gia đình ông Tá, bà Thơm vẫn cố tình cản trở việc sử dụng lối đi chung này của gia đình ông, bằng hành động cố tình nhiều lần đổ đất, đá để chặn lối đi, hung hăng, coi thường pháp luật, bất chấp sự can thiệp và giải quyết của chính quyền địa phương.

Được biết, các bản đồ, hồ sơ được lưu trữ tại UBND thị trấn Thiên Tôn qua các năm 1979, 1986 và 2008 đều thể hiện đây ngõ đi chung của xóm Đông Nam. Tuy nhiên, phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hoa Lư, Ninh Bình xác nhận năm 1997 khi cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Tá, bà Thơm thì có đưa ngõ đi chung vào phần đất của gia đình ông Tá, bà Thơm. Theo thông tin của bà Nguyễn Thị Phong Lan – Chủ tịch UBND trị trấn Thiên Tôn thì huyện đang tổ chức thanh tra làm rõ vụ việc này để giải quyết triệt để tranh chấp giữa các bên.

Từ những căn cứ và thông tin nêu trên thì có thể nhận định rằng: Nguồn gốc ngõ đi mà các bên đang tranh chấp là ngõ đi chung theo Hệ bản đồ, hồ sơ được lưu trữ tại UBND thị trấn Thiên Tôn qua các năm 1979, 1986 và 2008. Cũng như theo thông tin mà ông Thảo cung cấp thì UBND thị trấn Thiên Tôn cũng đã xác nhận rất rõ ràng đây là ngõ đi chung của Xóm mà không phải thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Tá, bà Thơm. Việc gia đình ông Tá, bà Thơm có hành vi xây cửa cổng và không cho phép gia đình ông Thảo sử dụng ngõ này để đi là vi phạm quy định tại khoản 10 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể:

Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng thực sự khó khăn để xử lý hành vi này của gia đình ông Tá, bà Thơm. Bởi lẽ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Hoa Lư đã cấp cho gia đình ông Tá, bà Thơm có đưa ngõ đi chung này vào phần đất của gia đình ông bà nên ông Lê Văn Tá (bà Lê Thị Thơm). Mặc dù vậy, việc cản trở, gây khó khăn của gia đình ông Tá đối với gia đình ông Thảo xét dưới hai góc độ lý và tình đều không đúng quy định của pháp luật đất đai, pháp luật dân sự về quyền có lối đi trong trường hợp bất động sản bị vây quanh bởi các bất động sản khác, cũng như trong cách đối xử trong mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm khi bố ông Thảo qua đời.

Theo thông tin thì hiện nay UBND huyện Hoa Lư đang tổ chức thanh tra làm rõ vụ việc này để giải quyết triệt để tranh chấp giữa các bên. Trong quá trình thanh tra, làm rõ thì việc tạm thời cho ông Thảo được tiếp tục sử dụng ngõ đi chung này để ra vào, sinh hoạt hàng ngày theo chúng tôi là điều rất cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật. Kể cả trong trường hợp có kết quả thanh tra cho rằng ngõ đang tranh chấp này thuộc quyền sử dụng của ông Tá, bà Thơm thì ông Thảo hoàn toàn có quyền yêu cầu ông Tá, bà Thảo cho gia đình mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ để có lối đi ra ngoài đường theo quy định tại Điều 254 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Thảo có quyền yêu cầu gia đình hàng xóm để một lối đi chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO