Ô nhiễm từ rác thải nông thôn ở Bình Định – chưa có lời giải

29/01/2016 00:00

(TN&MT) - So với các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bình Định đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thành tiêu chí về môi trường. Mặc dù địa phương đã triển khai dịch vụ thu gom rác thải nhưng thực trạng ô nhiễm môi trường vùng nông thôn vẫn chưa được cải thiện.

Những bãi rác tự phát tại các vùng nông thôn gây ô nhiễm môi trường
Những bãi rác tự phát tại các vùng nông thôn gây ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm tràn lan

Dọc các tuyến đường, khu chợ vùng nông thôn của các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tuy Phước (tỉnh Bình Định)… dễ dàng bắt gặp những bãi rác lộ thiên lẫn cả rác thải sinh hoạt (bao ni lông, chai nhựa, chai thủy tinh…) và xác chết của gia súc, gia cầm…. Giữa ngày nắng gắt, mùi hôi thối càng nồng nặc, trở thành nỗi ám ảnh cho người đi đường. Chính thói quen đổ các loại rác thải và vứt xác gia súc, gia cầm chết bừa bãi của người dân đã làm môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng hưởng đến sức khỏe của chính họ.

Bên cạnh vấn nạn nhức nhối trên, các làng nghề truyền thống cũng là tác nhân gây ô nhiễm tại vùng nông thôn. Hầu hết các làng nghề đều nằm trong khu dân cư, lại không có biện pháp xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải… nên nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng cho cộng đồng càng lớn. Có thể kể ra một số làng nghề tác động xấu đến môi trường như nghề nấu đúc kim loại (thị xã An Nhơn), chế biến tinh bột mì (ở huyện Tây Sơn và Hoài Nhơn), các làng nghề nấu rượu, làm bún… Đặc biệt, nghề chế biến tinh bột mì là một trong những nghề góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế nông thôn nhưng cũng là nghề gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường bậc nhất hiện nay. Bởi quá trình chế biến, nước thải bột mì thấm vào đất, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân nếu sử dụng phải nguồn nước ô nhiễm này.

Ngoài ra, những năm gần đây, môi trường nông thôn còn bị đe dọa bởi việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc BVTV. Do yêu cầu tăng năng suất, sản lượng, mở rộng sản xuất..., một bộ phận người nông dân sử dụng hóa chất nông nghiệp ngày càng nhiều. Theo thống kê, hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bình Định, người dân tiêu thụ hàng trăm tấn thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ và hàng ngàn tấn phân bón hóa học các loại. Theo thói quen, hầu hết bà con nông dân vứt các loại bao bì, chai thuốc ngay ra môi trường khi vừa sử dụng xong. Chị Nguyễn Thị Hằng, xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân cho biết: Lâu nay vẫn có thói quen dùng xong các loại bao bì, hộp nhựa thuốc trừ sâu thì vứt lung tung, sau đó để phân hủy tự nhiên. Vẫn biết như vậy là ô nhiễm, độc hại nhưng do không có hố chứa thu gom rác thải trên cánh động nên đành tiện đâu xả đó.

Chất thải trong chăn nuôi cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường do không được xử lý đúng cách. Toàn bộ chất thải này được người dân vô tư xả thẳng ra đồng lúa, vườn tược, kênh mương nội đồng… bốc mùi hôi thối.

Ô nhiễm môi trường nông thôn đã và đang là hiểm họa đối với sức khỏe con người. Chính người dân nông thôn phải gánh chịu hậu quả của sự ô nhiễm do mình góp phần gây ra, khi tỉ lệ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp… ngày càng cao

Tăng cường các biện pháp

Hiện nay, nhiều địa phương đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một trong những vấn đề khiến nhiều nơi “đau đầu” đó là tiêu chí về môi trường. Mặc dù tỉnh Bình Định đã triển khai dịch vụ thu gom rác thải đồng thời lắp đặt các bể chứa thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng không đạt hiệu quả cao do ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao và còn quá ít so với nhu cầu nên ô nhiễm môi trường nông thôn vẫn là vấn đề nhức nhối.

Bà Hà Thị Thanh Hương- Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Định) cho rằng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn, ý thức của người dân và các doanh nghiệp là rất quan trọng. Hiện địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân dần thay đổi thói quen về thu gom, đổ rác; khuyến khích các địa phương nhân rộng các mô hình như gia đình thân thiện với môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, tổ phụ nữ tự quản tham gia bảo vệ môi trường, con đường tự quản… để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động cải tạo và bảo vệ môi trường… Ngoài ra, tỉnh cũng cần dành nguồn kinh phí nhất định đầu tư quy hoạch, xử lý rác thải ở nông thôn. Thiếu bãi rác, thiếu các dịch vụ vệ sinh môi trường cũng là nguyên nhân để người dân tự “quy hoạch” bãi rác ngay bên lề đường, đầu cầu, bụi rậm, kênh mương, chợ...

Để xử lý chất thải trong chăn nuôi, địa phương đang tích cực triển khai Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (gọi tắt là DA LCASP) với mục tiêu góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Đến nay, các địa phương tham gia dự án đã xây dựng gần 2000 công trình khí sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững.

Nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, tỉnh Bình Định cần lồng ghép vào chương trình xây dựng NTM, tận dụng mọi nguồn lực xã hội hóa triển khai dịch vụ thu gom rác thải tại nông thôn./.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm từ rác thải nông thôn ở Bình Định – chưa có lời giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO