Môi trường

"Mở khóa" nền kinh tế tuần hoàn nhựa

Hoàng Ngân 18/04/2024 - 09:59

(TN&MT) - Kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp hàng đầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, bằng cách giữ lại những giá trị của nhựa trong nền kinh tế và giảm rò rỉ nhựa ra môi trường.

Nguồn vật liệu thu hồi trị giá tỷ đô

Theo báo cáo Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và Thách thức đối với Tuần hoàn Nhựa do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, mỗi năm, có đến 2,62 tấn rác thải nhựa không được tái chế, dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng chưa phát triển với tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt mức 33%. Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm tái chế thường cao hơn 25 - 30% so với sản phẩm nhựa thông thường.

1-26.jpg
Các mô hình tuần hoàn nguyên vật liệu, tái chế rác thải nhựa đều cần đến công nghệ cao, đầu tư lớn

Trong bối cảnh đó, giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này là bẻ hướng dòng chảy để nhựa được tuần hoàn, quay lại phục vụ đời sống thay vì bị thải bỏ. Các giải pháp giúp nâng cao khả năng và năng lực tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đóng góp cho mục tiêu kinh tế tuần hoàn (KTTH) và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Nội dung về KTTH đã được cụ thể hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, cùng với nhiều công cụ chính sách khác có vai trò thúc đẩy thực hiện KTTH như: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quản lý chất thải rắn. Khi chuyển sang mô hình KTTH, doanh nghiệp Việt vừa được hưởng các cơ chế hỗ trợ theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan khác, vừa tránh được các điều chỉnh luật pháp khác về những vi phạm liên quan đến khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Từ góc độ doanh nghiệp, theo ông Chalermchai Pornsiripiyakool - Phó Chủ tịch Trách nhiệm xã hội & Đối ngoại quốc tế tập đoàn Central Retail, hiện nay, nhu cầu và sự khuyến khích đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh đang gia tăng. Do đó, việc nhận thức được và tiến hành chuyển đổi sản xuất xanh, sản xuất bền vững, phân phối xanh, phân phối bền vững là điều bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp và doanh nghiệp nào nhận thức, chuyển đổi sớm sẽ có lợi thế. Đồng thời, đóng góp vào những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cần thêm các công cụ pháp lý cụ thể

Chủ tịch Unilever Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, cách đây hơn 3 năm, Unilever đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp SCG và Dow ký kết sáng kiến "Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (PPC)". Đến nay, PPC đã có 28 thành viên bao gồm các công ty tư nhân, nhà tái chế, thu gom, các tổ chức, hiệp hội, chính quyền địa phương. Thông qua việc hợp tác, công ty đã thu gom và tái chế 25.000 tấn rác thải nhựa, đồng thời sử dụng chính các hạt nhựa tái sinh này để sản xuất thành bao bì, chai nhựa mới, sản phẩm của doanh nghiệp.

Mặc dù đã gặt hái được những kết quả nhất định nhưng theo bà Vân, chặng đường tiếp theo tìm ra các giải pháp triệt để hơn, hiệu quả hơn để chuyển tiếp qua giai đoạn phát triển mới còn rất dài. Làm sao để nhân rộng mô hình, tạo tác động tích cực trên quy mô lớn hơn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng quản lý nhựa của Việt Nam còn rất non trẻ và phân mảnh.

Theo các chuyên gia, khi thực hiện KTTH, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp thách thức về nguồn lực đầu tư, nhân lực, công nghệ. Bởi sản xuất bền vững đòi hỏi sự đầu tư dài hơi. Các mô hình tuần hoàn nguyên vật liệu, tái chế rác thải nhựa đều cần đến công nghệ cao song không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực để nhập khẩu công nghệ, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới vào sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có công cụ pháp lý đầy đủ về KTTH, những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi sang nền sản xuất tuần hoàn còn hạn chế.

Và vấn đề cốt yếu nhất, nếu không có thị trường tiêu thụ thì khó có thể hình thành một ngành công nghiệp tái chế quy mô lớn và năng suất cao. Doanh nghiệp dù có được đầu tư bao nhiêu, sản xuất hiện đại, tiên tiến thế nào cũng không thể tồn tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Mở khóa" nền kinh tế tuần hoàn nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO