Toàn cảnh thủ đô Santiago của Chile sau sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 vào ngày 20/4/2020. Ảnh: Reuters |
Ô nhiễm không khí có thể gây số người tử vong cao hơn COVID-19
Ở Chile, với những người ở trong nhà do các biện pháp tự cách ly và với nhiệt độ giảm mạnh, việc sử dụng củi rẻ tiền để sưởi ấm - một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm mùa đông - có khả năng tăng đột biến.
Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard công bố trong tháng 4, những người sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao từ các hạt mịn có hại có nguy cơ tử vong cao hơn do COVID-19.
Một nghiên cứu khác cũng được công bố trong tháng 4 từ Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg ở Đức cho thấy 78% trường hợp tử vong do COVID-19 trên khắp Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ý xảy ra ở 5 khu vực ô nhiễm nhất bởi nitơ oxit, chủ yếu là từ xe cộ và phát thải nhiên liệu hóa thạch từ các nhà máy điện.
Chile, một trong những quốc gia phát triển nhất ở Nam Mỹ, đã giành được sự khen ngợi trên toàn cầu vì đã xử lý tốt sự bùng phát của đại dịch COVID-19, với xét nghiệm rộng rãi, đóng cửa trường học và doanh nghiệp sớm, đồng thời tiến hành cách ly.
Chile xác nhận hơn 14.000 trường hợp nhiễm và hơn 200 trường hợp tử vong vì COVID-19. Tuần trước, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã nói đến việc mở cửa trở lại các trường học, trung tâm thương mại, sắp xếp lại các cuộc phẫu thuật và đưa các quan chức công cộng trở lại làm việc để chống lại một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng khi virus lây lan từ các khu dân cư giàu có đến các khu vực nghèo hơn, đông đúc hơn và ô nhiễm hơn, các trường hợp nhiễm bệnh có thể tăng nhanh và các bệnh viện công phải chịu áp lực trong mùa đông.
Theo báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2019, dãy núi hùng vĩ của Chile bị bao phủ bởi chất gây ô nhiễm, khiến đất nước này trở thành “ngôi nhà” của 8 trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất Nam Mỹ.
“Việc giảm lưu lượng giao thông đã góp phần cải thiện không khí ở thành phố Santiago, nhưng ở miền Nam Chile, hơn 95% ô nhiễm là do đốt gỗ để sưởi ấm”, Bộ Môi trường Chile cho biết.
Theo số liệu của Bộ Y tế Chile, 2 thành phố bị ô nhiễm nặng, Padre Las Casas và Temuco, nằm trong vùng Araucania, cách 450 dặm (720 km) về phía Nam của Santiago, có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao thứ hai, chỉ sau khu vực đô thị xung quanh Santiago.
Theo số liệu, tỷ lệ tử vong tại vùng Araucania là 2,6%, so với tỷ lệ 1,2% của Santiago. Araucania là nơi sinh sống của nhiều người bản địa Mapuche ở Chile và có mức độ nghèo đói tương đối cao.
Tiến sĩ Luis Diaz-Robles, một trong những chuyên gia ô nhiễm hàng đầu của Chile, làm việc tại Đại học Santiago de Chile cho biết có nhiều người phải ở trong nhà của họ, với nhiều người mất việc, và với dự báo mùa đông rất lạnh, việc sử dụng gỗ làm nhiên liệu có chi phí thấp có thể sẽ tăng lên.
Tăng tỷ lệ tử vong do COVID-19 liên quan đến ô nhiễm không khí
Trong 6 năm qua, các biện pháp chặt chẽ hơn đã có hiệu lực tại Chile để hạn chế ô nhiễm không khí hoặc trong một số ngày, cấm đốt gỗ, cùng với chương trình do chính phủ tài trợ để chuyển đổi máy sưởi gia đình thành nhiên liệu sạch hơn.
Các chuyên gia về chất lượng không khí, y tế và các nhà lãnh đạo địa phương đã kêu gọi chính phủ tăng cường các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí trong bối cảnh xuất hiện virus corona chủng mới, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào được công bố.
Marcelo Fernandez, giám đốc chất lượng không khí của Bộ Môi trường Chile cho biết trong tháng này rằng Bộ này sẽ thực thi nghiêm các quy định hiện hành để ngăn chặn ô nhiễm.
Tuy nhiên, theo ông Marcelo Mena-Carrasco, Bộ trưởng Môi trường dưới thời cựu Tổng thống Michelle Bachelet, các khoản chi cho giảm thiểu ô nhiễm nên được coi là thiết yếu.
“Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy mỗi microgam trên một mét khối chất dạng hạt gây ra tỷ lệ tử vong COVID-19 tăng 15%” – ông Mena-Carrasco nhấn mạnh.
Tiến sĩ Mauricio Ilabaca, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Đại học Phẫu thuật Quốc gia Chile cho biết cảm lạnh sẽ khiến con người chết nhanh hơn ô nhiễm và kết hợp với virus corona chủng mới có thể dẫn đến sự “sụp đổ” trong hệ thống bệnh viện.
Ông Mena-Carrasco cho biết các quốc gia khác trong khu vực cũng có thể bị ảnh hưởng. “Điều này làm tăng tỷ lệ tử vong do COVID-19 liên quan đến ô nhiễm không khí – điều chúng ta có thể nhận thấy rõ ở khu vực Mỹ Latinh nói chung”, ông Mena-Carrasco nói thêm.
Dữ liệu chất lượng không khí thời gian thực do IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố cho thấy các thành phố bao gồm Lima, La Paz và Bogota thường xuyên vượt quá nồng độ các hạt mịn trong khí quyển mà nghiên cứu của Harvard xác định làm trầm trọng thêm các trường hợp tử vong vì COVID-19.
Tại Temuco, người đứng đầu hội đồng khu vực Alejandro Mondaca cho biết cư dân thành phố, đặc biệt là người cao tuổi trong các ngôi nhà cách nhiệt kém, đã lo ngại về các báo cáo ngày càng tăng của sự kết hợp giữa tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và COVID-19.
Alejandro Mondaca mong muốn chính phủ tăng tốc chuyển đổi máy sưởi và miễn phí cho người già.