Biến đổi khí hậu

Nông nghiệp thuận thiên ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cần nhiều nguồn lực

Khánh Ly 28/03/2024 - 08:53

(TN&MT) - Việc cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng, quy hoạch vùng và thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp được coi là nền tảng để Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh và bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH). Các giải pháp “thuận thiên” tại đây đang đặt ra nhu cầu về cơ sở hạ tầng, tài chính, nhân lực, cơ chế chính sách, công nghệ và chuyển đổi số.

Giải quyết đồng thời nhiều thách thức

Hội nghị quốc gia Huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên diễn ra mới đây đã một lần nữa chỉ ra những thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt. Trong nửa thập kỷ vừa qua, gần 98% môi trường tự nhiên của vùng đồng bằng đã bị chuyển đổi, trở thành các vùng canh tác nông nghiệp, thủy sản và đất ở, chỉ còn khoảng 2% diện tích là các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên.

picture1.png

Các biện pháp canh tác thâm canh như sản xuất 3 vụ lúa mỗi năm, phá vỡ chế độ ngập lũ tự nhiên, ngăn cản quá trình bồi lắng phù sa và trao đổi nước, sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại khác... đã khiến các loài cá và sinh vật bản địa dần biến mất. Bên cạnh đó, khu vực đồng bằng cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ BĐKH làm thay đổi lượng mưa cũng như gia tăng mức độ hạn hán, xâm nhập mặn.

ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với thách thức từ các đập thủy điện thượng nguồn. Các con đập ở Lào, Trung Quốc và các nhánh sông Sesan ở Campuchia đã làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung cấp nước và trầm tích cho đồng bằng. Tải lượng trầm tích đã giảm xuống chỉ còn 40% so với trước khi xây dựng đập và dự kiến sẽ giảm 97% vào năm 2040. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan, nước biển dâng... đe dọa nghiêm trọng tới tương lai của đồng bằng.

Theo Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL, cùng với nhu cầu đầu tư khổng lồ về cơ sở hạ tầng (cao tốc, cảng biển, thủy lợi, trung tâm liên kết, logistic, đổi mới sáng tạo), nguồn nhân lực đáp ứng tốc độ phát triển cũng đang thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vùng ĐBSCL năm 2022 chiếm tới 85%, trong khi các mô hình mới, chuyển đổi số đòi hỏi nông dân phải có cả kiến thức, kỹ năng và khả năng ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Đó là chưa kể nhu cầu ngày càng lớn về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kinh tế tuần hoàn, mô hình giảm phát thải ứng phó BĐKH...

Nhu cầu về tài chính hiện nay tập trung cho cơ sở hạ tầng, các công trình khắc phục thiên tai và giải pháp mang tính kỹ thuật; các hoạt động nghiên cứu giống, tác động của BĐKH và sinh kế nông thôn phù hợp. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách liên quan cần đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính ổn định lâu dài và thể hiện sự đổi mới.

Xây dựng thương hiệu giá trị chung cho vùng

Theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, Đồng Tháp, An Giang và các tỉnh duyên hải đã triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa, cây ăn trái, chăn nuôi, du lịch sinh thái theo hướng thích ứng BĐKH. Riêng tỉnh Cà Mau cũng chú trọng các giải pháp theo hướng đa tầng, đem lại cùng lúc nhiều giá trị và thuận tự nhiên.

Nhìn chung, quy hoạch theo 3 tiểu vùng sinh thái theo định hướng của Chính phủ và các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng đã nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.

Thực tiễn chỉ ra, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng hơn nữa. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. “Đất đai có thể manh mún, đơn vị hành chính có thể chia cắt, nhưng không gian kinh tế không thể bị chia cắt. Điều đó cho thấy tầm quan trọng trong tư duy liên kết vùng, cùng tạo ra thương hiệu giá trị chung cho Vùng nhưng không làm mất đi sự năng động, sáng tạo của từng địa phương” - ông Sử nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đáp ứng các nhu cầu nguồn lực của ĐBSCL hiện nay. Trong đó, cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá... cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên; phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên "đầu tư không hối tiếc" thông qua các Dự án tại ĐBSCL; hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp.

Hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai các “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030"; Đề án "Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL”…

Việc cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực ĐBSCL cũng rất quan trọng, đặc biệt lưu ý về ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các Dự án nông nghiệp đầu tư công.

Bộ trưởng đề nghị các đối tác quốc tế kết nối với các địa phương và doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên, tạo liên kết chuỗi với tổ nhóm nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc cung cấp các nguồn tài chính linh hoạt từ các quỹ đầu tư, các thể chế tài chính đa phương và song phương. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp và tổ nhóm nông dân cùng với triển khai các mô hình thí điểm có tính sáng tạo để phát triển nông nghiệp thuận thiên, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhân rộng cho các tỉnh vùng ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp thuận thiên ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cần nhiều nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO