Nông nghiệp Đắk Nông thích ứng BĐKH: Phát triển mạnh mô hình sinh thái
(TN&MT) - Đắk Nông là 1 trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu cũng như thổ nhưỡng phù hợp với phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và thích ứng BĐKH, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã hướng dẫn người dân địa phương áp dụng các mô hình sản xuất sinh thái, hữu cơ...
Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), BĐKH đã tác động rất lớn đến canh tác nông nghiệp của người dân, nhất là ở các tỉnh vùng Tây Nguyên. Trong đó, hiện tượng El Nino thường gây hạn hán kéo dài, có thể làm giảm 20 - 25% lượng mưa. El Nino cũng là nguyên nhân gây thiếu nước trầm trọng đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên nói chung, trong đó có tỉnh Đắk Nông.
Trước thực tế đó, tỉnh Đắk Nông đã phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái để ứng phó với BĐKH. Phần lớn các mô hình này đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên. Trong đó, ngoài áp dụng các biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, nhiều nông dân còn thực hiện các mô hình trồng xen canh, trồng cây che bóng mát, không sử dụng phân hóa học…, mang lại hiệu quả tích cực.
Điển hình như gia đình anh Ngô Xuân Lai (thôn Quảng Tiến, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk RLấp) trồng xen mắc ca, sầu riêng vào cà phê và hồ tiêu với tỷ lệ 5 cây cà phê/cây mắc ca hoặc sầu riêng. Anh Lai chia sẻ: “Gia đình tôi có 3ha cà phê. Dù đã áp dụng nhiều phương pháp nhưng mỗi vụ thu hoạch chỉ đủ chi phí sinh hoạt và dư một khoản nhỏ do khu vực tôi ở thời tiết khá khắc nghiệt. Gia đình tôi đã trồng xen canh mắc ca với sầu riêng nên nguồn thu đã tăng lên đáng kể. Mỗi năm, trừ các chi phí, gia đình tôi thu về gần 80 triệu đồng/ha”.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây, do tác động tiêu cực của BĐKH nên việc chuyển đổi hướng cây trồng cũng như xen canh nhằm phù hợp điều kiện thời tiết đã giúp cho quá trình canh tác nông nghiệp của địa phương ngày một hiệu quả hơn. Trong đó, mô hình nông nghiệp sinh thái được ưu tiên phát triển vì mô hình này canh tác hoàn toàn hữu cơ, đa dạng sinh học, đầu vào thấp. Nhiều mô hình sản xuất ở Đắk Rlấp, Đắk Mil, Gia Nghĩa… đã áp dụng thành công kỹ thuật nông nghiệp tái sinh, phục hồi, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển bền vững.
Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về cây trồng, vật nuôi, công trình thủy lợi phù hợp với BĐKH. Các địa phương cũng đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng thích ứng với điều kiện của từng tiểu vùng. Trong đó, các loại cây lương thực, hoa màu chịu hạn cao đã được sử dụng rộng rãi. Người dân cũng đã tích cực chuyển đổi cây trồng theo hướng thích ứng với BĐKH.
Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Theo Sở NN&PTNT, để giúp ngành nông nghiệp phát triển ổn định, nâng cao giá trị kinh tế, thích ứng BĐKH, tỉnh Đắk Nông đã định hình và phát triển 23 sản phẩm chủ lực, công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.423ha; hơn 26 ngàn ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận. Đến nay, đã công nhận được 52 sản phẩm OCOP và 1 chỉ dẫn địa lý Hồ tiêu Đắk Nông.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Đắk Nông cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cao; tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp bình quân 4,5%/năm; phấn đấu tỷ lệ giá trị nông sản sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt đạt 25% trở lên; công nhận mới thêm 30 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt trên 80 sản phẩm.
Trong đó, Đắk Nông có ít nhất 10% sản phẩm đạt 4 - 5 sao, có ít nhất 45% hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; mở rộng và phát triển thị trường, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông sản đạt bình quân 5%/năm; phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 40% gắn với nâng cao chất lượng rừng và phát triển kinh tế rừng.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng BĐKH, bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường; tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp... đạt trên 5,1%; phấn đấu giá trị sản xuất đạt trên 150 triệu đồng/ha; công nhận mới thêm ít nhất 40 sản phẩm OCOP, trong đó có trên 15% sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao, có ít nhất 60% hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42%, kinh tế rừng hướng tới phát triển bền vững...