Nông dân Huế tận dụng phế thải ô nhiễm để... “làm giàu”

01/08/2018 14:55

(TN&MT) -  Rơm rạ - phế thải mà người nông dân vứt ngoài đồng hoặc mang đốt sau khi không còn tác dụng đã được một xã vùng quê tại Huế tận dụng để “biến” thành nấm, mang lại thu nhập cao. Đó là xã Phú Lương (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Biến rơm thành nấm

Từ chỗ là nguồn chất đốt, thức ăn cho gia súc..., rơm rạ dần bị đào thải trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, khuyến cáo rơm đốt đồng phát thải khí (CO2 và NOx) gây hiệu ứng nhà kính, khiến môi trường bị ô nhiễm...

Còn đối với người dân xã Phú Lương (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), họ không nghĩ như vậy. Rơm rạ là nguyên liệu thật sự có giá trị, nếu biết tận dụng sẽ tạo ra nguồn lợi đáng kể sau lúa gạo...

Đến xã Phú Lương, chúng tôi nhận thấy nhà nào cũng có đống rơm to đùng nằm trước ngõ, bởi họ dùng chúng để ‘biến” thành nấm rơm. Theo các nhà khoa học, trồng nấm được coi là một trong những phương pháp sinh học tận dụng nguồn rơm rạ hiệu quả nhất. Nấm rất giàu protein và sản phẩm được nhiều người ưa chuộng.

Người dân xã Phú Lương đang chăm sóc rơm
Người dân xã Phú Lương đang chăm sóc rơm

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Tơ (58 tuổi, trú tại thôn Đông B, xã Phú Lương) - là thôn trưởng nơi đây. Ông Tơ cho hay, ông sinh ra trong một gia đình thuần nông từ nhỏ. Gia đình ông đang sở hữu nhiều diện tích trồng lúa với 2,5 ha (tương đương 5 mẫu lúa)...

Mỗi năm, gia đình lão nông này thu về khoảng 15 tấn lúa, lãi tầm hơn 40 triệu đồng mỗi vụ. Cũng chính vì thế, rơm rạ sau khi thu hoạch lúa rất nhiều. Từ đó, ông đã phơi khô sử dụng làm ra nấm rơm. “Không biết ở nơi khác thế nào chứ rơm ở đây có thể tạo ra tiền, thế nên không ai dại gì mang chúng đốt bỏ đâu...”- ông Tơ vui vẻ nói.

Theo lão nông này, làm nấm rơm không tốn nhiều công lao động nên nông dân cứ sản xuất và thu hoạch quanh năm. Mẹo tạo nấm và thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng của sản phẩm nấm rơm tại Phú Lương.

“Độ ẩm của nhà vòm luôn dựa vào thời tiết. Nếu thời tiết thay đổi một cách đột ngột, nấm rơm sẽ rất dễ bị chết ngay khi vừa mới nảy mầm. Nếu không chú trọng những kỹ thuật cần thiết để nấm sinh trưởng tốt thì sản phẩm nấm rơm sẽ giảm sút...”- ông Tơ lo lắng.

Vòm nấm đang nảy mầm của gia đình ông Tơ
Vòm nấm đang nảy mầm của gia đình ông Tơ

Ông Lương cho biết thêm, giá cả nấm thay đổi theo mùa vụ và thời tiết, đến tháng là thương lái lại đến tận nhà để thu mua. Khi thì mỗi cân nấm bán với giá 50.000 - 70.000 đồng; nhưng lại có thời điểm nấm rơm được bán với giá 100.000 - 200.000 đồng/kg.

Hiện gia đình ông Tơ đầu tư đến 3 nhà vòm để sản xuất hơn trăm bịch nấm mỗi tháng. Với 3 vòm nấm, gia đình ông lãi hơn 30 triệu đồng/năm.

Cả xã trồng nấm

Được biết, hiện nấm sò và nấm linh chi của xã Phú Lương đã được trồng thành công và trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất của địa phương.

Ông Nguyễn Thụ - Giám đốc HTX Phú Lương 1 cho biết, sản phẩm nấm của xã Phú Lương như nấm rơm, nấm sò đã có mặt trên các thị trường khắp cả nước. Ngoài ra, mỗi năm HTX này cũng cung ứng ra thị trường khoảng 1 tạ nấm linh chi (với giá thành khoảng 900.000 đồng/1kg).

Theo ông Nguyễn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lương, hiện toàn xã có 3 HTX và 650 hộ dân theo nghề trồng nấm rơm truyền thống với 800 vòm, chủ yếu tập trung ở 9/10 thôn của Phú Lương.

“Rơm rạ đối với người dân Phú Lương được xem là một tài sản có giá trị. Bởi nghề trồng nấm không chỉ giải quyết được nguồn phế thải từ rơm rạ sau mỗi vụ lúa mà còn giải quyết được nguồn lao động lúc nhàn rỗi, mang lại thu nhập ổn định, đáp ứng sinh kế cho người dân tại địa phương...”- ông Anh cho hay.

Cũng theo ông Anh, một số HTX còn cấp đất, cử cán bộ đi học tập chuyển giao kỹ thuật trồng thêm nấm sò, nấm linh chi. Từ đó nhân rộng mô hình trồng các loại nấm có giá trị kinh thế cao đến với người nông dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Huế tận dụng phế thải ô nhiễm để... “làm giàu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO