Xã hội

Nậm Rốm - Dòng sông thi ca, dòng sông lịch sử

Trần Hương 24/04/2024 - 14:09

(TN&MT) - Trước mặt thành phố, con sông Nậm Rốm bắt nguồn từ phía Bắc, vắt ngang qua thung lũng Mường Thanh như một bức tranh tuyệt đẹp. Dòng sông “nhân chứng” ấy đã đi vào thơ ca và lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp năm 1954. Hôm nay, 70 năm sau ngày giải phóng, sông Nậm Rốm có khi cạn khi đầy, lặng lẽ rửa trôi quá khứ đau thương,... Đôi bờ bồi lở, mang đến một nguồn năng lượng mới cho tương lai mảnh đất anh hùng.

Khởi nguồn mạch sống…

Sông Nậm Rốm dài chừng 35km, khởi nguồn từ dãy Pú Huổi Luông, (tiếng dân tộc Thái nghĩa là núi suối to), trên độ cao hơn 2.100 mét. Con sông Nậm Rốm không phải mang tên cây gỗ Lát (co Rốm), mà gắn với biểu tượng của Khun Bó Dốm, một thủ lĩnh lừng danh của xứ Mường Trời (Mường Thanh) thời khai thiên lập địa.

Trong quá khứ, sông Nậm Rốm mang trên mình vô vàn vết tích bởi những cuộc binh đao, tranh đoạt điêu tàn. Xa xưa, sông Nậm Rốm rộng và sâu, các thuyền buôn Thái Lan, Lào, Miến Điện thường theo dòng Mê Kông – Nậm U, ngược dòng Nậm Rốm vào tận thung lũng Mường Thanh để giao thương. Thế kỷ 18, dòng Nậm Rốm đã bao lần in bóng nghĩa quân áo vải Hoàng Công Chất đánh đuổi giặc Phẻ, bảo vệ biên cương, giữ yên bản Mường.

z5377464840943_c5c10fc0b22fb6ec840fb1db28d215a1.jpg
Cầu Mường Thanh là cây cầu dã chiến bắc qua sông Nậm Rốm do người Pháp xây dựng sau cuộc nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ năm 1954.

Bước sang thế kỷ XX, dòng sông hiền hòa ấy bỗng trở thành dòng sông lửa, thiêu cháy giấc mộng ngoại xâm của giặc thù, giải phóng Điện Biên (7/5/1954) và trở thành mốc son chói lọi, hào hùng của dân tộc Việt Nam. Và con sông được ví như một “chứng nhân lịch sử”, như một áng sử thi bất hủ của người Điện Biên.

Và cứ như thế, đời tiếp đời, người Mường Thanh chưa bao giờ cúi đầu trước giặc ngoại xâm đến giày xéo bản mường. Họ cùng nhau đoàn kết đánh đuổi giặc xâm lăng. Cụ ông Lò Văn Phung, bản Co Líu, xã Mường Phăng hôm tôi tình cờ gặp trong lần đi thăm hầm Đờ cát kể lại trong lúc tản bộ ra thăm cầu Mường Thanh (cây cầu dã chiến bắc qua sông Nậm Rốm do người Pháp xây dựng sau cuộc nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ). Và cây cầu ấy lại trở thành phương tiện đưa đường cho bộ đội ta tiến công, cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lên nóc hầm của viên bại tướng Đờ cát - xtơ - ri.

Ông bảo: “Có lẽ đây là lần cuối cùng ông lên thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Bản ông ở cách đây 20 cây số. Năm nay ông đã gần 90 tuổi rồi, chắc không thể nào đi được nữa.”

Dừng lại phía chân cầu, người lính già đưa đôi mắt nhìn xa, hít một hơi thật sâu rồi ông chậm rãi: “Điện Biên bây giờ đẹp quá. Cảnh tượng khác xưa rất nhiều. Các bản Thái ở vùng lòng chảo Điện Biên cũng rất khác. Đúng như lời bộ đội từng nói: phải đuổi được quân xâm lược, đuổi được thực dân Pháp ra khỏi vùng đất này mình mới được ngủ ngon. Cơm mới đủ ăn, áo mới đủ mặc ấm. Ông nghĩ không sai thật..!”

Còn đối với ông Lò Văn Khôn, người già của bản Thái Pá Pháy, xã Noong Luống, huyện Điện Biên thì từ lúc ông sinh ra và lớn lên tuổi thơ ông đã gắn liền với dòng sông Nậm Rốm. Khi giải phóng Điện Biên Phủ thì ông mới chào đời. Tuổi thơ của ông gắn liền với nhiều câu chuyện cổ xưa lập bản, lập mường của người Thái ở UVa. Và cả những câu chuyện thời Pháp chiếm đóng ở Điện Biên, người tây muốn bắt con gái Thái về làm vợ.

Sông Nậm Rốm lúc bé ông vẫn theo mẹ đi xúc tép, sau này trưởng thành ông lại đi bắt cá về để nuôi vợ con. Ông Khôn kể: “Trước đây, dưới sông Nậm Rốm tôm cá nhiều vô kể. Mùa khô, sông trong xanh nhìn thấy cả đáy, phụ nữ, người già hay đi vớt rêu về ăn thay rau. Mùa mưa, con sông hung dữ, nước đỏ lòm như mắt quỷ. Có những trận lũ lên tận sàn nhà. Mưa suốt ngày đêm, hết trận này sang trận khác. Mưa vài ba ngày mới tạnh.

z5377464845372_3f1795eeb21297d070724513ba7416d0.jpg
Một góc ảnh chụp dòng sông Nậm Rốm

Tạnh được một vài hôm lại mưa tiếp... có khi sáng nắng, chiều lại mưa. Cả tuần, cả tháng trời cứ âm âm u u...Có hôm nhớ cái nắng, nhớ ông mặt trời… Nhưng chỉ nắng được một lúc, mây ở đâu lại ùn ùn kéo về đen xì, nặng trĩu sát tận nóc nhà. Y như rằng một lúc sau mưa rất to, như người ta đổ cả chậu thau nước từ trên xuống… Thế nên, mùa mưa ở đây nhà nào cũng ngập…Nhưng chẳng ai bỏ bản bao giờ.”

Bây giờ, dọc hai bên bờ sông, các bản người Thái, người Lào sinh sống qua nhiều thế hệ tạo nên cả một vùng lòng chảo…Sau mỗi trận lũ, sông lại bồi đắp những dải phù sa màu mỡ, năm này qua năm khác, không biết từ bao đời hai bên sông Nậm Rốm đã tạo ra hàng trăm héc - ta đất màu, để đồng bào các dân tộc ở Điện Biên sống quây quần đông đúc cho đến tận hôm nay.

Đứng trên cầu C9 nhìn xuống, những bãi bồi của dòng Nậm Rốm rộng mênh mông xanh mướt ngô, khoai…mùa nào thức nấy. Những bãi bồi của các xã Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Xương.. của cả lòng chảo Điện Biên rộng đến cả nghìn héc - ta. Tính riêng xã Thanh Yên có khoảng 46ha diện tích đất màu ven sông. Và chính những diện tích đất màu đó đã góp phần tạo nên sản lượng lương thực đáng kể cho đồng bào Thái, Lào suốt từ nhiều năm qua.

Nếu như đồng bào dân tộc Mông, Hà Nhì... chọn cho mình các sườn núi cao để sinh sống thì đồng bào Thái, Lào lại chọn những nơi có nguồn nước để định cư. Đấy là lý do dọc dòng sông Nậm Rốm chủ yếu gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của đa phân đồng bào dân tộc Thái – Lào ở Điện Biên. Cũng từ những bãi bồi của sông Nậm Rốm mà nhiều thế hệ con cháu của người Thái, người Lào… đã lớn lên trưởng thành, sống quây quần đông đúng cạnh dòng sông.

... vựa lúa xứ Thanh

Chia cánh đồng Mường Thanh thành 2 dải Đông – Tây, đứng từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Và chỉ khi Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm được hình thành, dòng Nậm Rốm mới hoàn thành xứ mệnh là lá phổi xanh, là xương sống, là mạch nguồn của lòng chảo Mường Thanh.

z5377486105081_06f370408470d3aa421c890cc9be826e.jpg
Bãi bồi của hai bên bờ sông Nậm Rốm là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Lào, Khơ Mú... tỉnh Điện Biên. Một góc ảnh chụp bãi màu canh tác ngô, khoai của người dân tại C4, Thanh Hưng nằm sát với sông Nậm Rốm.

Có lần tôi gặp người thanh niên xung phong (TNXP) tên Nguyễn Ngọc Ơn, (phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) người tham gia xây dựng Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm trước đây. Ông kể: “Năm 1963, hơn 2.000 TNXP từ mọi miền tổ quốc lên Điện Biên xây dựng hồ thủy lợi Pá Khoang và công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm; đó là công trình lớn nhất Tây Bắc lúc bấy giờ. Cũng nhờ có công trình thủy nông này mà cánh đồng Mường Thanh được mở rộng.

Nếu năm 1984, tổng diện tích lúa 2 vụ của tỉnh Điện Biên là gần 2.400ha thì đến năm 2020, tổng số diện tích lúa 2 vụ của tỉnh này đã tăng lên hơn 7.200ha. Tỉnh Điện Biên từ chỗ thiếu lương thực đến nay đã có thể cung cấp lương thực cho các địa phương khác. Trên hành trình từ thụ động đến chủ động trong lương thực, là những nỗ lực phi thường, là trí tuệ, sự đóng góp của TNXP và lớp lớp nông dân Điện Biên…”

Bây giờ, trước mắt chúng tôi là thung lũng Mường Thanh, rộng chừng 140km2 lúa đương thì con gái, xanh mướt báo hiệu một vụ mùa no ấm bội thu. Người dân canh tác trên cánh đồng Mường Thanh không khi nào lo mất mùa. Vây quanh vùng lòng chảo là những dãy núi giăng hàng, dựng vách chắn cho vùng lòng chảo ít giông lốc.

z5377486109392_26ddb885b4c7cab52b9e10ed43ac8a32.jpg
Một góc ảnh chụp bãi màu Thanh Hưng, huyện Điện Biên, là bãi bồi của sông Nậm Rốm rộng cả trăm héc - ta phì nhiêu màu mỡ.

Nhớ trận lũ lịch sử năm 2018, bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu bị lũ cuốn đi cả bản. Nhưng ở Điện Biên mưa chỉ nặng hạt vài ba ngày là tạnh, không kèm theo dông lốc. Trong khi 2 địa phương này cách nhau chưa đầy 300 cây số. Và Điện Biên khí hậu luôn khô nóng hơn các tỉnh lân cận Lai Châu, Sơn La khoảng vài độ. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm ở Điện Biên chênh lệch nhau khá lớn, dao động từ 3 - 5 độ.

Chính vì vậy mà tạo nên một tiểu vùng khí hậu ôn đới; là điều kiện chính để lúa gạo Điện Biên luôn đậm vị, trái cây vì thế cũng ngọt hơn ở các vùng lân cận, do giờ nắng trong ngày của Điện Biên dao động từ 10 - 12 tiếng.

Theo dòng chảy dài đằng đẵng của lịch sử, dòng Nậm Rốm đã tạo nên nững bãi bồi rộng lớn, nuôi sống biết bao thế người ở vùng lòng chảo Điện Biên. Trong thẳm sâu ký ức của người Thái nơi đây, dòng sông như một “vũ khúc” của xứ Mường Trời mang năng lượng sống tràn đầy cho sự hồi sinh một vùng đất bãi bồi mênh mang miền ký ức...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nậm Rốm - Dòng sông thi ca, dòng sông lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO