Xã hội

Nông dân cùng nhau làm giàu

Vy Huyền 31/07/2024 - 18:35

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” hiệu quả, góp phần trong thành tích chung xây dựng nông thôn mới ở các vùng quê. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đã đạt 42,3 triệu đồng/năm.

Nông dân giỏi giúp nông dân khó

Phong trào “Nông dân thi đua SXKDG đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” có xuất phát điểm từ tinh thần tương thân, tương ái và được triển khai sâu rộng và hiệu quả trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay. Các cấp Hội Nông dân Tuyên Quang đã tích cực vận động hội viên nông dân và hộ sản xuất kinh doanh giỏi tham gia tương trợ giúp đỡ hội viên nông dân, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên và việc làm theo mùa vụ hoặc từng khâu công việc.

img_20230814181051.jpg
Các nông dân giỏi sẽ tương trợ, giúp đỡ hội viên nông dân, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững

Một số điển hình tiêu biểu trong phong trào là ông Phạm Đình Huỳnh, tổ dân phố Tứ Quận, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn). Mô hình sản xuất, kinh doanh chè và chế biến gỗ, sản xuất da giày của ông Huỳnh doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động. Ông Hoàng Văn Tác, thôn Hải Mô, xã Đại Phú (Sơn Dương) đã xây dựng trang trại tổng hợp VACR, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tạo việc làm ổn định cho 17 lao động và giúp đỡ 7 hộ khó khăn về vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất kinh doanh.

Không đi theo lối mòn, nông dân động viên nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chú trọng tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với giúp đỡ vốn, giống cây, con, ngày công, cán bộ, hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hội đã hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho trên 22.600 người, xây dựng 520 mô hình phát triển sản xuất… tổng giá trị 14,6 tỷ đồng, giúp thoát nghèo cho 415 hộ nông dân nghèo.

img_20230913172623.jpg
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

Trong năm 2023 Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp và tổ chức đào tạo được 15 lớp dạy nghề cho hội viên nông dân, trong đó có các nghề: Kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi; trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản… Theo bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang: Để xây dựng các lợp học nghề cho hội viên nông dân trên địa bàn, Hội đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các huyện, thành phố và bám sát cơ sở Hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân mong muốn được học nghề. Kế hoạch học tập lồng ghép với kế hoạch, lộ trình của tỉnh Tuyên Quang trong xây dựng các xã về đích nông thôn mới theo từng giai đoạn, từng năm… Từ đó Hội phối hợp với các đơn vị liên quan để mở các lớp đào tạo nghề cho hội viên nông dân.

anh-2(1).jpg
Học viên các lớp học nghề đi thực hành tại các vườn sản xuất

Các học viên đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo.... Chính vì vậy, kỹ năng nghề còn khá khiêm tốn. Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên rất chú trọng đến công tác thực hành, “cầm tay chỉ việc” đến từng khâu, từng giai đoạn cho từng học viên để giúp họ nhanh chóng tiếp nhận kiến thức ngay tại lớp học. Được học nghề đúng với tâm tư nguyện vọng của mình nên các học viên tham gia rất tích cực, khi trở về gia đình đã chủ động áp dụng vào làm kinh tế hộ gia đình.

Cùng với nhiều giải pháp được triển khai, thu nhập của nông dân đã cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,27% trên toàn tỉnh, thể hiện hiệu quả rõ rệt trong nỗ lực giảm nghèo bền vững của Hội Nông dân tỉnh. Cùng với hỗ trợ kinh tế, các cấp Hội cũng vận động ủng hộ xóa nhà tạm cho nhiều hộ hội viên nông dân nghèo...

Phát huy thế mạnh nông sản

Phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, quỹ hỗ trợ nông dân, các nguồn lực khai thác khác, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp, tạo tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái. Đồng thời, vận động nông dân liên kết với nhau để nâng quy mô sản xuất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.

Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp. Các bên có hợp đồng hợp tác minh bạch, ngoài việc cam kết thu mua sản phẩm cho nông dân, một điểm mấu chốt trong hợp đồng tiêu thụ giữa HTX với doanh nghiệp là khi giá thị trường tăng, doanh nghiệp cũng phải tăng giá thu mua để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, tránh tình trạng người nông dân phá vỡ hợp đồng khi giá thị trường cao hơn. Qua đó, tư duy của nông dân cũng dần thay đổi. Sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng dần xây dựng được thương hiệu.

canh_tac_lua_tuyen_quang.jpg
Các mô hình kinh tế phù hợp, tạo tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái của tỉnh

Thực hiện Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh và Nghị quyết số 03/2021/NQ của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa, sản phẩm OCOP được ban hành năm 2021, tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ duy trì phát triển, xây dựng thương hiệu đối với những sản phẩm đã được chứng nhận và có kế hoạch tiêu chuẩn hóa cho 209 sản phẩm tiềm năng.

Bắt đầu từ năm 2022, tỉnh cũng triển khai Dự án “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025”. 15 mã số vùng trồng được chứng nhận, đảm bảo đủ các điều kiện để xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ và các nước EU

Việc tập huấn, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về các chương trình, dự án này cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội. Đây có thể xem như “cánh cửa” giúp nông sản được bảo hộ quyền và lợi ích trên thị trường, đồng thời tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngày càng nhiều nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý tỉnh Tuyên Quang đã đi vào thị trường và khẳng định thị phần, trong đó một số sản phẩm đã vươn tầm khu vực, xuất khẩu ra thị trường thế giới như chè, mật ong, cá đặc sản, gỗ rừng trồng... Từ đó tạo ra giá trị kinh tế cao, tạo thành những nhóm sản xuất, hợp tác xã, hộ liên kết, nâng cao mức sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Đây cũng là hướng đi của ngành nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân cùng nhau làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO