Nông Cống (Thanh Hóa): Chuyển nhượng đất ở cho con dâu liệu có hợp pháp?

Đức Duy| 03/07/2020 21:37

(TN&MT) - Bức xúc vì thửa đất 400 m² của bố mẹ để lại tại xã Trung Chính, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bỗng nhiên “vào tay” con dâu khi chưa được sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình. Bà Bùi Thị Nhượng (con đẻ) cho rằng, chính quyền địa phương đang có sự “tiếp tay” trong việc hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất?.

Phản ánh tới Báo Tài nguyên & Môi Trường, bà Bùi Thị Nhượng ở xã Trung Ý (nay là xã Trung Chính), huyện Nông Cống trình bày: Bố mẹ tôi là ông Bùi Viết Ẩm và bà Lê Thị Tường có thửa đất ở 400 m², lúc sống có giao bằng miệng cho ông Bùi Viết Mật (con trai thứ 2) trông coi, khi nào anh em trong nhà có điều kiện tập trung đóng góp để xây dựng nhà thờ tổ tiên để thờ cúng. Thế nhưng, năm 1994 không hiểu lý do vì sao thửa đất trên bỗng nhiên “vào tay” bà Lê Thị Hiền (vợ ông Mật). Sau đó, năm 2009, bà Hiền đã chuyển nhượng cho hộ gia đình khác, khiến mọi người trong gia đình rất bức xúc.

Thửa đất 400 m² của bố mẹ để lại tại xã Trung Chính, huyện Nông Cống bỗng nhiên “vào tay” con dâu và đã chuyển nhượng cho người khác

“Thửa đất 400 m² của bố mẹ tôi sinh sống và gìn giữ suốt nhiều năm, nhưng lại đứng tên bà Hiền và đã bị chuyển nhượng cho người khác là không đúng quy định của pháp luật. Bởi nhẽ, bố mẹ tôi không để lại di chúc cho bà Hiền và chưa được anh em trong nhà bàn bạc, thống nhất. Đồng thời, nếu xét theo hàng thừa kế thì cần ưu tiên cho con đẻ, còn con dâu không thuộc vào hàng thừa kế nên không có quyền thừa hưởng di sản. Quá bức xúc, tôi đã có đơn phản ánh lên UBND huyện Nông Cống để làm rõ sự việc”. Bà Bùi Thị Nhượng, bức xúc cho biết.

Ngày 10/01/2020, UBND huyện Nông Cống có Văn bản số 51/UBND-TNMT về việc giải quyết đơn của bà Bùi Thị Nhượng với nội dung: Theo sổ 64, thửa đất số 12, tờ bản đồ số 02, bản đồ 299 xã Trung Ý cũ (nay là xã Trung Chính), diện tích 400 m² mang tên bà Lê Thị Hiền và bà Hiền đã được cấp Giấy CNQSDĐ. Sau đó, ngày 09/03/2009, ông Phan Quang Túy và bà Phạm Thị Nga đã được cấp Giấy CNQSDĐ do nhận chuyển nhượng từ bà Hiền.

Việc bà Bùi Thị Nhượng tố cáo UBND xã Trung Ý làm thủ tục để hợp lý hóa diện tích 400 m² đất ở là không có cơ sở. Do thời điểm kê khai quyền sử dụng đất theo sổ 64, thửa đất đã đứng tên bà Hiền và đã được cấp Giấy CNQSDĐ. Đồng thời, thửa đất đã chuyển nhượng cho ông Túy, bà Nga và đã được cấp Giấy CNQSDĐ năm 2009 (thời điểm chuyển nhượng giữa bà Hiền với ông Túy, ông Bùi Viết Ẩm đang còn sống…).

Bà Bùi Thị Nhượng cho rằng: Văn bản số 51/UBND-TNMT của UBND huyện Nống Cống về việc trả lời đơn thư là chưa “thấu tình đạt lý”

Sau khi nhận và xem xét kỹ văn bản trả lời của UBND huyện Nông Cống, bà Bùi Thị Nhượng cho rằng: UBND huyện Nông Cống xác minh để trả lời trong Văn bản số 51 là chưa “thấu tình đạt lý”. Thứ nhất, bố mẹ tôi không để lại di chúc và các thành viên trong gia đình không thống nhất chuyển nhượng 400 m² đất cho bà Hiền, vậy vì sao bà Hiền lại được cấp Giấy CNQSDĐ, dựa vào cơ sở gì mà UBND xã Trung Ý lại hoàn thiện thủ tục, hồ sơ cho bà Hiền đứng tên thửa đất của bố mẹ tôi? Thứ hai, quá trình xác minh, UBND huyện Nông Cống chỉ căn cứ vào hồ sơ địa chính năm 1994, nhưng lại không xác minh, kiểm tra bản đồ trước đó. Thứ ba, năm 2009, khi bà Hiền chuyển nhượng cho ông Túy, bà Nga, lúc đó bố tôi là ông Bùi Viết Ẩm đã mất năm 1995, nhưng UBND huyện Nông Cống lại cho rằng bố tôi còn sống, điều này là không đúng sự thật.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nông Cống cho biết: UBND huyện Nông Cống có nhận được đơn thư của bà Bùi Thị Nhượng, chúng tôi đã xác minh và có văn bản trả lời công dân. Vì thửa đất 400 m² đã đứng tên bà Hiền và đã được chuyển nhượng cho người khác, căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013, UBND huyện Nông Cống đã có công văn hướng dẫn bà Nhượng gửi đơn lên Tòa án nhâ dân để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Rất mong, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc làm rõ đúng, sai trong việc chuyển nhượng đất nói trên, tránh thiệt thòi cho người dân và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Xét tại thời điểm, căn cứ vào Điều 676 - Bộ Luật Dân sự ngày 14/06/2005 quy định:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông Cống (Thanh Hóa): Chuyển nhượng đất ở cho con dâu liệu có hợp pháp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO