Riêng việc kiểm soát chất lượng không khí, bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý Dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết thêm, thời gian qua, thành phố đã thiết lập các trạm quan trắc không khí và cập nhật số liệu kịp thời trên nhiều kênh thông tin đại chúng. Bên cạnh đó là rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý chất lượng không khí, giám sát, kiểm soát các cơ sở công nghiệp phát sinh khí thải, báo cáo tự động số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường; triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” trên địa bàn thành phố, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trực tiếp tại cánh đồng để làm phân bón hữu cơ...
Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, việc cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi phải có sự phối hợp của cả cộng đồng. Từ ý tưởng bảo vệ môi trường, Dự án "Không khí sạch - Thành phố xanh" do Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn) chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện, đã kết nối các tổ chức, cá nhân đang hoạt động vì môi trường chung sức bảo vệ, giữ gìn không gian sống trong lành cho thành phố.
Giám đốc Live and Learn - bà Đỗ Vân Nguyệt cho biết: Dự án "Không khí sạch - Thành phố xanh" hướng tới huy động, kết nối từ 30 đến 50 tổ chức, cá nhân tham gia vận động chính sách cải thiện môi trường; thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, bền vững; quản lý chất thải, triển khai sáng kiến về quy hoạch và sống xanh ở đô thị. Dự kiến sẽ có hơn 100.000 người dân và học sinh được nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí cùng vấn đề sức khỏe liên quan, thông qua các chương trình giáo dục, chiến dịch truyền thông sáng tạo về ô nhiễm không khí.
Đồng hành với Dự án “Không khí sạch - Thành phố xanh”, chị Lê Phương Trà, Trưởng ban Tổ chức nhóm Lees Bas Verts (Những bước chân xanh) cho biết, nhóm được thành lập năm 2017, hiện có 43 thành viên là học sinh, sinh viên nhiều trường trên địa bàn Thủ đô. Vì tình yêu và trách nhiệm với môi trường, thành viên trong nhóm đang thực hiện nhiều việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường như: Thu gom rác thải nhựa, tái sử dụng vào các việc có ích...
Từ việc nâng cao nhận thức, một số tổ chức, cá nhân đã chung sức với Dự án “Không khí sạch - Thành phố xanh”, thực hiện nhiều việc làm cụ thể góp phần cải thiện chất lượng môi trường như: May khẩu trang; sản xuất thiết bị đo lường chất lượng không khí, lọc không khí, bếp cải tiến sử dụng viên nén nhiên liệu thay thế cho bếp than tổ ong; ứng dụng thu gom, quản lý rác thải điện tử; giới thiệu các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên... hướng tới tiêu dùng bền vững.