Biến đổi khí hậu

Nỗ lực hơn nữa để theo kịp diễn biến biến đổi khí hậu

Khánh Ly 22/08/2023 - 10:04

(TN&MT) - Mùa hè năm 2023 ghi nhận hàng loạt kỷ lục nhiệt độ, cả ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Nhiệt độ trung bình của Trái đất có lúc đã chạm ngưỡng tăng 1,5oC - giới hạn tăng nhiệt độ theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) - cho thấy BĐKH đang diễn biến nhanh hơn so với dự báo của giới khoa học.

“Kỷ nguyên nung sôi“ đã tới

Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, tháng 7/2023 là tháng 7 nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận và phá vỡ nhiều kỷ lục về ngày nóng nhất, tháng nóng nhất, cũng như mức tăng nhiệt độ ở cả đất liền và đại dương. Giáo sư Petteri Taalas - Tổng thư ký của WMO cho biết, mốc tăng nhiệt độ 1,5oC được quy định trong Thỏa thuận Paris vốn đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm và gây ra những tác động nguy hiểm đến sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, với xu thế diễn biến nhiệt độ như hiện nay, việc tạm thời vi phạm mức 1,5oC sẽ xuất hiện với tần suất ngày càng tăng.

anh-minh-hoa-1-.jpg
Nhiệt độ tăng khiến thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn, kéo theo lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá

Theo Giáo sư Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, BĐKH thường được đánh giá theo 2 hướng phát triển. Hướng thứ nhất dựa trên các yếu tố nhiệt độ tăng, nước biển dâng, a-xít hóa đại dương. Kịch bản BĐKH của Việt Nam đã thể hiện quá trình diễn ra từ từ, với các dự báo đến năm 2050, 2100 thể hiện mức tăng nhiệt độ, lượng mưa, mức độ ngập do nước biển dâng tại các địa phương.

Hướng còn lại dựa trên tình hình khí hậu cực đoan và rất khó dự báo. Nhiệt độ tăng sẽ gây ra các phản ứng khiến thời tiết cực đoạn gia tăng chóng mặt, và kéo theo nhiều mối nguy hiểm khác.

Thực tế trong hơn 1 tháng qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên, như siêu bão gây mưa lớn, lũ lụt ở Trung Quốc, hạn hán nghiêm trọng gây mất mùa ở nhiều quốc gia Nam Á khiến giá lương thực toàn cầu leo thang, và gần đây nhất là trận cháy rừng thiêu trụ toàn bộ thị trấn Maui ở Hawaii (Mỹ)...

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng, những nhận định của WMO khớp với những dự đoán và cảnh báo liên tục được nhắc đi nhắc lại trong những năm qua. Điều ngạc nhiên duy nhất là tốc độ BĐKH đang diễn ra nhanh hơn. Thời kỳ nóng lên toàn cầu đã kết thúc và thế giới bắt đầu chuyển sang “kỷ nguyên nung sôi”.

Tác nhân chính khiến nhiệt độ tăng bắt nguồn từ lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người. Thế giới đã trải qua 26 kỳ họp cấp lãnh đạo Chính phủ, và cũng có bằng ấy thời gian để thực hiện các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Nhưng thực tế, con người vẫn đang hành động quá chậm. Lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vẫn tăng dần qua các năm và kéo theo đó, nhiệt độ bề mặt toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến ít nhất là giữa thế kỷ.

Tác động của BĐKH đến Việt Nam

Theo đánh giá của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), 7 tháng đầu năm 2023, cả nước xuất hiện 16 đợt nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 2oC, đặc biệt tại Tương Dương, Nghệ An ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục lên đến 44,2oC. Trong khi đó, tổng lượng mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn gần gấp đôi so với mức trung bình cùng kỳ những năm trước. Đáng chú ý, dù có những nơi lượng mưa khá thấp nhưng vẫn xảy ra sạt lở đất đá.

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định, tại Việt Nam, BĐKH ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều tác động tiêu cực thậm chí còn diễn ra nhanh hơn nhiều so với các dự báo. BĐKH đã và đang có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, các khu vực, vùng miền. “Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và là một trong những thách thức lớn nhất đặt ra đối với công tác khí tượng thủy văn” - ông Cường nhấn mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy, trong vòng 30 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm gần 400 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại kinh tế 1 - 1,5% GDP.

Theo Báo cáo GEMMES Việt Nam do Cơ quan Phát triển Pháp phối hợp cùng Bộ TN&MT thực hiện, nhiệt độ trung bình của Việt Nam dự tính sẽ tăng ít nhất 1,13 ± 0,87°C vào giữa thế kỷ 21, và tăng khoảng 1,34 ± 1,14°C theo kịch bản quốc gia có sự cắt giảm mạnh mẽ khí nhà kính phù hợp với Thoả thuận Paris.

Theo Báo cáo GEMMES Việt Nam, thiệt hại kinh tế trực tiếp tích lũy trung bình hàng năm khoảng 1,8% GDP khi nhiệt độ tăng lên 1°C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền công nghiệp 1851 - 1900. Thiệt hại sẽ là 4,5% khi nhiệt độ tăng 1,5°C, 6,7% khi nhiệt độ tăng 2°C và lên đến 10,8% khi nhiệt độ tăng 3°C.
Đến năm 2050, thiệt hại kinh tế vĩ mô và liên ngành trung bình có thể lớn hơn thiệt hại trực tiếp khoảng 30%.

Dù là kịch bản lý tưởng nhất, nhưng BĐKH đang và sẽ tiếp tục làm gia tăng các cơn bão mạnh ở khu vực Biển Đông, trong đó có các cơn bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Lượng mưa ở hầu hết các tháng trong năm đều tăng và làm gia tăng lũ lụt, mưa cực đoan.

Nhiệt độ tăng cũng kéo theo nguy cơ gia tăng khô hạn, hoang mạc hóa, xâm nhập mặn, ngập lụt, xói mòn, rửa trôi, sạt lở và làm giảm diện tích đất có thể sử dụng cho các mục đích khác. Nhiều loài sinh vật có thể bị suy giảm số lượng, thay đổi cấu trúc thành phần loài do môi trường sống thay đổi, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. BĐKH cũng làm thay đổi chế độ thủy văn, hải văn, sóng biển và nước biển dâng, làm thu hẹp đáng kể diện tích hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Việc lồng ghép thực hiện mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng của Việt Nam vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng theo Thỏa thuận Paris được coi là yếu tố sống còn, nhằm giảm tác động của BĐKH đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực hơn nữa để theo kịp diễn biến biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO