Xã hội

Ninh Thuận: Nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững

Thúy Nhi 27/06/2024 - 19:04

Với nguồn lực từ ba chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng công tác giảm nghèo bằng nhiều mô hình hiệu quả, bước đầu đã đem lại một số kết quả đáng ghi nhận.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 32 DTTS cùng sinh sống, với trên 173.765 người, chiếm 23,71% dân số của tỉnh, chủ yếu là dân tộc Chăm và Raglai. Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn đã bố trí trong 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh là trên 612 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 310 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 302 tỷ đồng.

Riêng năm 2023, tổng vốn đã bố trí cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 167,29 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án thành phần; tổng vốn đã bố trí cho Chương trình MTQG 1719 là 404,47 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án thành phần.

Bác Ái là một trong những huyện nghèo của tỉnh Ninh Thuận. Toàn huyện có 9 xã thuộc khu vực III với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 87%. Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, các cấp chính quyền ở huyện Bác Ái đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế cho lao động nông thôn và đồng bào DTTS. Đồng thời, chú trọng phát triển các mô hình hợp tác xã (HTX).

Hay như ở huyện Ninh Phước, mô hình liên kết chuỗi măng tây xanh với vai trò chủ lực của HTX ở hai xã An Hải và Phước Hải trong những năm gần đây đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, xã An Hải là địa phương có diện tích trồng cây măng tây nhiều nhất ở tỉnh Ninh Thuận với trên 120ha măng tây.

Còn tại huyện Ninh Sơn, chỉ tính riêng trong năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, huyện đã giải ngân trên 9 tỷ đồng triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình. Trong đó, phê duyệt 19 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tập trung vào những mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương. Điển hình như các mô hình hỗ trợ cây giống, con giống như nuôi bò sinh sản, vỗ béo; dê sinh sản; giống trồng cây ăn quả...

Để giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như trồng mía, trồng cây măng tây, bưởi da xanh, mãng cầu, phát triển đàn gia súc, nuôi heo đen đặc sản, mô hình "cánh đồng lớn” sản xuất lúa giống vùng đồng bào Chăm tại huyện Ninh Phước; mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện Bác Ái, Thuận Bắc. Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho các hộ vay ốn ưu đãi phát triển sản xuất.

1(2).jpg
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Ninh Thuận giảm 1,72% so năm 2022

Bên cạnh trợ lực từ nguồn vốn chính sách thông qua các chương trình, dự án, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận đã có sự chuyển biến rõ nét. Đến nay, 100% số thôn, xã vùng đồng bào DTTS ở Ninh Thuận được phủ kín điện lưới quốc gia, trên 90% hộ đồng bào DTTS sử dụng điện thắp sáng, tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước sinh hoạt đạt trên 95%. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,72% so năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 32,4 triệu đồng/năm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Theo UBND tỉnh, địa phương tăng cường huy động tối đa nguồn lực từ các cấp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Đồng thời, tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững để hạn chế các hộ tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Với quan điểm ưu tiên đầu tư, chăm lo nâng cao đời sống cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 19 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho người dân. Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, giảm hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%; trong đó giảm hộ nghèo khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO