Biến đổi khí hậu

Ninh Thuận chủ động ứng phó hạn hán, biến đổi khí hậu: Để không còn nỗi lo... thiếu nước

Đỗ Vương 23/05/2024 - 09:24

(TN&MT) - Ninh Thuận thuộc vùng cực Nam Trung Bộ của Việt Nam, là tỉnh khô hạn bậc nhất cả nước, nơi mùa khô kéo dài 9/12 tháng trong năm, tổng dung tích nguồn nước trên địa bàn tỉnh chiếm 46,58% dung tích thiết kế. Nơi đây đang trở thành điểm nóng khi phải đối mặt với những thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng dung tích nguồn nước tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh tính đến đầu tháng 4/2024 có hơn 194,5 triệu m3, chiếm 46,58% dung tích thiết kế. Bên cạnh diện tích cây lâu năm 12.700ha, trong đó cây nho 972ha, táo 1.109ha, điều 4.862ha; vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh gieo trồng 31.389ha cây nông nghiệp, trong đó có 17.331ha lúa và 14.057ha sắn, đậu, hoa màu.

Tuy nhiên nắng nóng kéo dài, trong 6 tháng đầu năm không có mưa, dự báo một số khu vực ở Ninh Thuận không thể sản xuất vụ Hè Thu 2024, khả năng thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 2.105 hộ gia đình gồm 8.464 người dân ở các xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn; Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải và Phước Tiến, huyện Bác Ái. Hiện tại nguồn nước tại các con suối trên địa bàn tỉnh đang giảm dần, nếu không có mưa thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt vùng nông thôn diễn ra trên diện rộng.

7a.jpg
Nhiều hồ chứa nước tại tỉnh Ninh Thuận khô cạn đáy do nắng nóng kéo dài.

Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, BĐKH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường phối hợp với các cơ quan mặt trận, đoàn thể triển khai quyết liệt các giải pháp chống hạn. Trong đó, chỉ đạo các địa phương tổ chức nạo vét, phát dọn kênh, mương để khơi thông dòng chảy nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; thực hiện hỗ trợ, vận động nhân dân tổ chức đào ao, hồ, khoan giếng những nơi có nước để cung cấp nước uống cho gia súc.

Mặt khác, tỉnh Ninh Thuận triển khai giải pháp điều tiết nước ở các sông, suối, hồ, đập; siết chặt kiểm tra nguồn nước tại các công trình thủy lợi, chống rò rỉ, thất thoát nước; tăng cường điều tiết cấp nước tưới luân phiên giữa các đập dâng trên sông Cái, trạm bơm để bảo đảm nguồn nước sản xuất và dân sinh; kiểm tra, bảo dưỡng máy bơm nước, đường ống dẫn nước để chủ động phòng, chống hạn cục bộ...

“Ngoài ra, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng phương án cấp nước ở từng nhà máy và cấp nước liên thông giữa các nhà máy Phước Kháng, huyện Thuận Bắc; Tà Nôi, huyện Ninh Sơn; Phước Thành, Phước Trung, huyện Bác Ái. Còn nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2024 phụ thuộc vào hồ chứa Đơn Dương chảy qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và 14 hồ chứa khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, ông Trần Quốc Nam cho biết.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, đến nay Ngân hàng ADB đã hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đầu tư 5 dự án với tổng kinh phí 1.350 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung xã An Hải, huyện Ninh Phước và xây dựng kênh mương, tuyến ống dẫn nước, bể chứa nước, trạm bơm ở một số địa phương khác. Còn tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái, nhiều hộ dân không còn nỗi lo thiếu nước trong mùa khô do được hỗ trợ đào ao trữ nước từ dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do BĐKH khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ - Ninh Thuận" (SACCR - Ninh Thuận). Đến nay, dự án này đã triển khai tại 15 xã ở 4 huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Hải với tổng kinh phí đầu tư hơn 143 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Công Xưng - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết, năm 2023, lượng mưa trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với nhiều năm trước nên lượng nước nhiều hồ chứa, đặc biệt là khu vực phía Nam Ninh Thuận đều giảm thấp; nắng nóng kéo dài khiến cho 3/23 hồ chứa đã xuống đến mực nước chết. Đến nay, nguồn nước từ hồ Sông Cái trong hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã liên thông đến các hồ chứa Cho Mo, Phước Trung, Thành Sơn ở huyện Bác Ái; tuyến kênh chung Tân Mỹ cũng đã bổ sung nguồn ước vào đập dân Nha Trinh - Lâm Cấm. Riêng các hồ chứa Bà Râu, Sông Trâu ở huyện Thuận Bắc và hồ Ông Kinh ở huyện Ninh Hải còn đang thi công đường ống dẫn nước liên thông, dự kiến đến cuối năm nay mới hoàn thành.

Ứng phó với BĐKH, nhiều năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã hoạch định một chiến lược bài bản, dài hạn, bao gồm rất nhiều nhóm giải pháp công trình và phi công trình, theo từng giai đoạn. Về giải pháp phi công trình, địa phương chủ trương quản lý và điều phối chặt chẽ, khoa học tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm nước, bảo đảm an ninh nguồn nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sử dụng ít nước, đi đôi với nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm tiết kiệm nước và tăng cường bảo vệ thẩm thực vật, rừng phòng hộ.

Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng tiết kiệm nước, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các cơ chế chính sách, kế hoạch thích ứng với hạn hán; kết nối các nhà tài trợ hỗ trợ giải pháp ứng phó hạn hán bền vững; nâng cao năng lực dự tính, dự báo hạn hán, nhất là dự báo trung hạn và dài hạn để phòng chống nguy cơ sa mạc hóa.

Đối với nhóm giải pháp công trình, tỉnh Ninh Thuận xác định phải tiếp tục xây dựng các hồ chứa nước, đi đôi là đầu tư các hệ thống kết nối liên hồ, giúp điều tiết nguồn nước và hạn chế việc phải xả lũ, đầu tư trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ thực vật. Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai các dự án tái tạo nguồn nước, chống sa mạc hóa, kết hợp ngăn mặn và chống ngập lụt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận chủ động ứng phó hạn hán, biến đổi khí hậu: Để không còn nỗi lo... thiếu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO