Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2005, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 2840/QĐ-UBND thu hồi trên 56ha đất của Nông trường Quỳnh Sơn (thuộc địa bàn 2 xã Sơn Hà và Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan) để giao cho Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây thuộc Viện Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT để xây dựng Trại nhân giống thỏ thịt Ninh Bình. Với mục đích nhằm phục vụ chiến lược phát triển chăn nuôi quốc gia, cung cấp thỏ giống năng suất chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội.
Đến năm 2008, Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình đã cấp 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 562.409,3m2 cho Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây. Đến tháng 2/2010, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 162/QĐ-UBND thu hồi lại 96.293,4m2 đất của Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây để giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi thuộc Viện Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT để làm Dự án "Đầu tư xây dựng trại thực nghiệm và nuôi giữ giống gốc gia cầm" với quy mô nuôi giữ 15.000 gà giống. Đồng thời, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất để di dời Trại thực nghiệm và nuôi giữ giống gốc gia cầm từ xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội về xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, Ninh Bình.
Diện tích trên 56ha đất dự án sau nhiều năm không đưa vào sử dụng, lãng phí hiện đã bị một số người dân lấn chiếm, canh tác |
Tuy nhiên, kể từ khi được UBND tỉnh Ninh Bình giao đất đến nay, Chủ đầu tư của 2 dự án trên không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào đối với diện tích đất đã được giao ở trên. Mặt khác, các đơn vị được giao đất cũng không tiến hành các bước để triển khai thực hiện dự án, không quản lý chặt chẽ diện tích đất được giao dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm để canh tác gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Đinh Văn Tuấn - một người dân ở xã Sơn Hà cho biết: “Đối với huyện miền núi như Nho Quan, khi có dự án về triển khai, bà con chúng tôi vô vùng phấn khởi vì vừa tạo thêm công ăn việc làm, vừa đưa vào khai thác được diện tích đất rất lớn phục vụ cho sản xuất. Thế nhưng 16 năm qua, dự án càng chờ càng không thấy đâu, trên 56ha đất đai bị bỏ hoang gây lãng phí khiến người dân không khỏi bức xúc”.
Trước thực trạng trên, người dân 2 xã Sơn Hà và Quỳnh Lưu đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp từ huyện đến tỉnh để có biện pháp xử lý, tránh lãng phí.
Năm 2018, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đối với 2 dự án nêu trên. Đến tháng 4/2019, Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình đã có Kết luận thanh tra về việc sử dụng đất đối với 2 dự án. Kết luận thanh tra nêu rõ: "Từ khi được giao đất, chủ đầu tư không triển khai xây dựng các hạng mục công trình của dự án, không quản lý và không sử dụng diện tích đất được giao và để cho một số hộ gia đình, cá nhân tự ý lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương".
Gần đây nhất, ngày 20/10/2021, UBND tỉnh Ninh Bình có Văn bản số 819/UBND-VP4 gửi Bộ NN&PTNT, đề nghị chấm dứt hiệu lực pháp lý đối với các Quyết định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về phê duyệt và các quyết định điều chỉnh trước đó đối với 2 dự án trên. Đồng thời chỉ đạo Viện Chăn nuôi, Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây và Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi trả lại diện tích đất đã giao cho địa phương quản lý.
Một số hạng mục trên đất của Nông trường Quỳnh Sơn sau khi bàn giao cho Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây cũng bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: Các dự án này đã được giao đất từ những năm 2005, phần lớn diện tích thuộc xã Sơn Hà. Việc giao đất nhưng 16 năm trôi qua vẫn không triển khai dự án, đưa dự án vào hoạt động đúng với mục đích ban đầu không chỉ gây lãng phí đất đai trong thời gian dài, mà còn làm nhiều hộ gia đình muốn có đất sản xuất thì lại không có. Ngoài ra, việc lãng phí hàng chục hécta đất này không đưa vào sử dụng hiệu quả cũng góp phần làm giảm sự phát triển kinh tế của nhân dân nói riêng và địa phương nói chung.
Hy vọng, với sự cương quyết của tỉnh, hơn 56ha hoang hóa sẽ sớm được bàn giao lại cho địa phương để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.