Ninh Bình: Chú trọng giám sát chất lượng môi trường tại các khu, cụm công nghiệp

Khải Minh| 28/10/2021 21:28

(TN&MT) - Để phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Ninh Bình sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; giám sát chất lượng môi trường nước, môi trường không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình vừa ban hành kế hoạch số 175/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở cơ cấu lại ngành công nghiệp với yêu cầu công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn. Chú trọng hiệu quả đầu tư, giảm mức sử dụng đất gắn với bảo vệ môi trường theo quy định; Tập trung thu hút các dự án ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, logistics phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; các dự án tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Không thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp các dự án may mặc, giày dép thông thường.

Ảnh minh hoạ

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được ưu tiên là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; giám sát chất lượng môi trường nước, môi trường không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đối với chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là các dự án có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Cùng với đó, xây dựng, phát triển, mở rộng và quản lý quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tính khả thi cao, đảm bảo cân đối giữa các vùng miền; nghiên cứu tập trung các làng nghề vào trong các cụm công nghiệp phù hợp với đặc điểm văn hoá, xã hội của các vùng, miền. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đổi mới, hoàn thiện các biện pháp quản lý, đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường và trật tự xã hội.

Đổi mới, đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả, giải quyết thủ tục nhanh, gọn, nhất là các dự án lớn, có vốn đầu tư nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh (PCI). Chủ động rà soát, sửa đổi, hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của tỉnh.

Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư hạ tầng xây dựng và kinh doanh 10 cụm công nghiệp thành lập mới, tạo mặt bằng sạch và hạ tầng kỹ thuật thu hút các dự án sản xuất kinh doanh; đảm bảo yêu cầu các cụm công nghiệp phải có nhà máy xử lý nước thải đồng bộ, tập trung theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Cân đối ngân sách tỉnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng một số cụm công nghiệp, khu công nghiệp trước đây do nhà nước làm chủ đầu tư mà không thu hút được nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng.

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thực hiện có hiệu quả Quy chế quản lý nhà nước, quy chế phối hợp của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, kiểm soát chặt chẽ tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sau đầu tư; kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các dự án thực hiện chậm tiến độ, kém hiệu quả theo quy định để tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư. Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, an toàn lao động, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động. Nâng cao chất lượng của Trung tâm dịch vụ hành chính công, tạo thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Chú trọng giám sát chất lượng môi trường tại các khu, cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO