Phát triển Khu công nghiệp sinh thái: Cần tháo gỡ “điểm nghẽn” về chính sách
(TN&MT) - Khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Để thúc đẩy việc chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, theo các chuyên gia, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tháo gỡ khó khăn.
Nhiều dư địa phát triển KCN xanh, sinh thái
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Cả nước hiện có 418 khu công nghiệp KCN, bao gồm 371 KCN nằm ngoài các khu kinh tế, 39 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 KCN nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.
Các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Hệ thống KCN, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, trong số 418 KCN, có 298 khu đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha. Như vậy, với khoảng 1/3 KCN chưa đi vào hoạt động, đây là dư địa rất lớn để Việt Nam phát triển bền vững và định hướng phát triển KCN xanh, KCN sinh thái trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, đến tháng 8/2023, Việt Nam có 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh và sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính. Đồng thời, mục tiêu để phát triển công nghiệp bền vững cũng đã được đưa vào các cam kết về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Với xu hướng phát triển bền vững, việc xây dựng và chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN xanh, sinh thái là yêu cầu cấp thiết. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có nguồn vốn và tài chính. Thực tế, để chuyển đổi theo hướng KCN bền vững, đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp trong KCN phải có nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại, nhất là hệ thống xử lý chất thải trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý còn chưa rõ ràng, gây cản trở cho KCN trong việc chuyển đổi mô hình.
Gỡ vướng tài chính, pháp lý
Vì vậy, để phát triển KCN bền vững thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần phải nhanh chóng nghiên cứu và khắc phục những “điểm nghẽn” trong thể chế, chính sách về KCN. Chính sách phải bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và có sự đột phá.
Cụ thể, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KCN, khu kinh tế, nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ cho hoạt động đầu tư phát triển. Cùng với đó, nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước các cấp trong phát triển KCN, khu kinh tế. Đồng thời, tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban Quản lý KCN, khu kinh tế là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với quy trình thủ tục hành chính đơn giản; xây dựng và triển khai chính sách phát triển các KCN, khu kinh tế.
Theo ông Tuyến, cần xây dựng luật điều chỉnh hoạt động của KCN, khu kinh tế và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai; thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng. Quy định đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường, phù hợp với đặc thù của từng mô hình, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hữu Phúc - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh nhấn mạnh, thể chế chính sách liên quan tới KCN, khu kinh tế cần được xây dựng ở ngưỡng cao hơn. Bởi hiện nay mới ở mức nghị định, do đó, cần ban hành luật về KCN, khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý. Toàn bộ quy trình quy hoạch KCN, khu kinh tế hiện rải rác ở các luật chuyên ngành, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, bà Virginia Foote - thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, CEO Bay Global Strategies cho rằng, để thúc đẩy phát triển bền vững KCN, các doanh nghiệp trong KCN cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo và có công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định được đặt ra trong KCN để đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng trong cùng một khu có doanh nghiệp làm, có doanh nghiệp không làm. Ngoài ra, các địa phương cung cấp cơ sở hạ tầng mềm, có chính sách thu hút nhân lực có tay nghề; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện và hoàn thiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hải quan, thuế… thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Về phía các doanh nghiệp, bà Trần Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ chia sẻ, việc phát triển KCN trở thành KCN sinh thái không chỉ bằng ý chí chủ quan và mong muốn của riêng chủ đầu tư hạ tầng KCN, mà còn cần sự hợp tác chung tay của tất cả các doanh nghiệp trong khu. Đồng thời, cần sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ và cơ quan quản lý về thể chế chính sách.