“Trăn trở của cán bộ cấp giấy”
Chúng tôi trở lại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vào những ngày đầu năm 2020, ghé thăm Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện. Bắt đầu từ ngày 1/1/2020 tỉnh Yên Bái đưa Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp đi vào hoạt động, từ việc tổ chức lại và đổi tên Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất thành Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT tỉnh Yên Bái).
Anh Lý A Sảng chia sẻ những khó khăn về công tác cấp giấy ở vùng cao |
Mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn chi nhánh văn phòng còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Trong rất nhiều những chia sẻ khó khăn của anh Lý A Sảng – Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai điều khiến chúng tôi lưu tâm nhất là việc “Hiện nay đa phần các hộ dân trên địa bàn huyện chưa có sổ đỏ”.
Theo anh Sảng, nguyên nhân các hộ gia đình chưa có sổ đỏ là do nhận thức của người dân về luật đất đai còn nhiều hạn chế. “Trong thời gian tới sau khi ổn định đi vào hoạt động văn phòng sẽ có kế hoạch để tuyên truyền, vận động để người dân tự giác làm sổ, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thực trạng này đã và đang diễn ra trong một thời gian dài để thay đổi nhận thức của người dân cũng phải mất khá nhiều thời gian, đây cũng là trăn trở lớn đối với những người làm công tác cấp giấy tại huyện vùng cao như chúng tôi”, anh Sảng tâm sự.
Đa phần các hộ dân của huyện vùng cao chưa có sổ đỏ |
Để ghi nhận thực tế trên, chúng tôi theo chân cán bộ của Phòng TN&MT huyện Mù Cang Chải tới xã La Pán Tẩn. Trên đường đi anh Phan Đức Cường – Chuyên viên Phòng TN&MT huyện chia sẻ: “Ở trên này mọi người không tự giác làm sổ như ở dưới thành phố hay dưới huyện, đối với họ đất ở của gia đình còn không quý bằng đất trên nương, trên núi trồng thảo quả, để họ làm được sổ cán bộ trên này phải vận động, tuyên truyền hay cấp miễn phí họ mới làm. Có nhiều nhà khi hỏi đến sổ họ mới mang từ trên gác bếp xuống đen nhẻm còn không đọc được chữ, cũng có rất nhiều người còn chẳng phân biệt được đâu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cứ cái nào có bìa màu đỏ mặc định đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Chính vì vậy, mà công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vùng cao gặp khó khăn hơn rất nhiều so với vùng thấp”.
Khó do cách nghĩ
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, cả bản có khoảng gần 20 nóc nhà. Gia đình anh Thào A Chồng vừa dựng xong căn nhà gỗ nhỏ cuối năm 2019, mảnh đất anh Chồng dựng nhà cũng chưa có sổ đỏ và hỏi đến sổ anh cũng không được biết quyển sổ đó như thế nào? Và dùng nó để làm gì?
“Chúng tôi không thích làm sổ đỏ! Đất này là của bố mẹ từ xa xưa, giờ lớn lấy vợ có con rồi thì bố mẹ cho dựng nhà ra ở riêng, mà chúng tôi cũng không biết làm sổ đó để làm gì!”, anh Thào A Chồng thản nhiên chia sẻ.
Nhận thức của người dân về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều hạn chế |
Cũng giống anh Chồng, anh Thào Nhà Tông cũng có chung suy nghĩ: “Đất là của bố mẹ từ xa xưa để lại cho con cái ở, vậy đất đó là của mình thì cần gì phải làm sổ đỏ”. Tuy nhiên, anh Tông cũng đã được nghe cán bộ xã tuyên truyền về việc cần thiết phải làm sổ, nhưng gia đình anh còn đang xem xét và cân nhắc nếu được làm miễn phí hay mất ít tiền thì gia đình anh mới làm còn hết nhiều thì cứ ở vậy.
Ông Hảng Sáng Chông – Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết: Đối với công tác cấp sổ đỏ trên địa bàn xã vẫn còn rất nhiều khó khăn, đến nay trên địa bàn xã vẫn còn rất nhiều hộ chưa có sổ đỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về công tác cấp sổ còn nhiều hạn chế, rất nhiều hộ dân vẫn còn suy nghĩ đất đó là của ông bà, bố mẹ để lại nên không cần phải làm sổ.
Trong năm 2014-2015 xã đã được huyện và tỉnh cấp sổ đỏ một lần. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều hộ chưa có sổ do ở mới và thủ tục chưa hoàn thiện. Mỗi khi xảy ra tranh chấp xã lại họp cả thôn, cả bản lại và giải quyết theo phong tục nên cũng mất rất nhiều thời gian.
Cũng theo ông Tạ Tuấn Anh – Trưởng Phòng TN&MT huyện Mù Cang Chải: Hiện nay Mù Cang Chải có trên 63.000 dân, trên 12.000 hộ. Công tác cấp sổ đỏ đối với các hộ trung tâm đã được cấp 100%. Tuy nhiên, đối với các hộ tại các thôn, bản còn nhiều khó khăn, cái khó nhất vẫn là “cách nghĩ của người dân” nhận thức của người dân về công tác giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Cùng với tập quán canh tác và điều kiện tự nhiên nên người dân chưa quan tâm đến công tác cấp sổ đỏ.
Vừa qua, xã Mồ Dề đã được tỉnh cấp tiền để đo và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ cho công tác cấp sổ, còn về cơ bản các xã khác đều chưa có sổ đỏ. Trong thời gian tới, phòng sẽ tham mưu bằng văn bản cho huyện để chỉ đạo về công tác quản lý đất đai và rà soát công tác cấp sổ đỏ cho các hộ có nhu cầu và giúp cho các hộ nâng cao nhận thức về quản lý đất đai, tránh tình trạng tranh chấp và lấn chiếm gây ra những đơn thư khiếu kiện phức tạp trên địa bàn.
Từ đó có thể thấy, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bìa đỏ là chưa có. Chính từ đó, đã xảy ra các vụ tranh chấp rất phức tạp, hơn thế nữa là dẫn tới các vụ án mạng vô cùng nghiêm trọng. Vậy cần có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên. Vấn đề này sẽ được Báo TN&MT thông tin tới bạn đọc trong số tiếp theo…