Những mảnh vụn làm đẹp cuộc đời
(TN&MT) - “Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể đóng góp những phẩm chất tuyệt vời của mình để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình”.
Đó chính là thông điệp và cũng là sứ mệnh của Vụn Art - hợp tác xã sản xuất những món đồ thủ công từ những mảnh vải vụn của người khuyết tật. Vụn Art được ra đời từ năm 2017 với mong muốn giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo việc làm cho người khuyết tật và tận dụng các nguyên liệu thừa trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường.
Gọi là Vụn, bởi theo người sáng lập ra Vụn Art anh Lê Việt Cường, “vụn” là những mảnh ghép nhỏ, nhờ chất kết dính mà tạo nên những mảnh ghép lớn, giống như công việc anh và những người đồng nghiệp đang làm; “vụn” cũng như chính những người thợ khuyết tật tại hợp tác xã, trong đó, mỗi cá nhân như một mảnh vụn nhỏ, nhờ chất kết dính - sự hỗ trợ từ chính quyền và cộng đồng, những người khuyết tật được kết nối với nhau, tạo nên những bức tranh lớn vẽ nên giấc mơ của mình.
Bằng sự khéo léo, cần cù, sáng tạo, những người thợ thủ công của Vụn đã tái chế những nguyên liệu thừa, những mảnh vải vụn từ làng lụa Vạn Phúc, biến chúng thành những bức tranh dân gian sống động, đầy màu sắc. Những bức tranh dân gian bằng vải này được thực hiện theo nguyên tắc vừa trung thành với nguyên bản nhưng cũng không vì thế mà bó buộc những những thể nghiệm có thể tạo nên giá trị thẩm mỹ mới phù hợp với thị hiếu của người đương thời. Đặc biệt, việc kết hợp với Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc để tạo nên những bức tranh còn có tác dụng giới thiệu, quảng bá sản phẩm lụa Vạn Phúc cùng với những giá trị văn hóa dân gian của Việt Nam tới thế giới.
Những tác phẩm nghệ thuật của Vụn Art
Với những bức tranh của Vụn, sự thân thiện môi trường được thể hiện từ nền tranh cho đến các họa tiết tranh. Nền tranh bằng vải canvas, họa tiết tranh là những mảnh lụa vụn, những người thợ khuyết tật ở Vụn khéo léo phối màu, cắt, dán và ép nhiệt tỉ mỉ. Theo anh Cường, dùng lụa vụn vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, vừa giới thiệu được nét đặc sắc của lụa truyền thống Vạn Phúc với những vân lụa đẹp mắt, bắt ánh sáng, màu sắc tươi mới và đó cũng chính là nét độc đáo chỉ có ở Vụn.
Với phương châm “là người khuyết tật nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật”, từng sản phẩm tại Vụn Art chinh phục khách hàng bằng chất lượng sản phẩm. Mặc dù được tạo ra từ bàn tay của những người khuyết tật nhưng từng bức tranh, chiếc túi, chiếc áo… lại cực kỳ chỉn chu, hoàn hảo. Chính điều đó đã giúp Vụn được nhiều người biết đến, từ đó, càng có nhiều người yếu thế, người khuyết tật có việc làm,… đó là những niềm vui rất lớn của Vụn. Bên cạnh đó, sự tiến bộ của các bạn khuyết tật ở Vụn trong giao tiếp, học tập, làm việc cũng là một niềm vui chẳng thể đo đếm, nó cứ âm thầm lan tỏa qua ánh mắt, nụ cười và truyền cảm hứng đến rất nhiều người khi nhắc tới Vụn.