Suy giảm rừng đầu nguồn làm gia tăng thiên tai
Gần như năm nào cũng vậy, các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai... thường hay xảy ra lũ quét dẫn đến sạt lở đất. Ngoài những nguyên nhân như địa hình dốc, nước từ thượng nguồn lên nhanh, thời gian gần đây chất lượng rừng đầu nguồn ở khu vực này có dấu hiệu suy giảm cả về chất lượng và diện tích… đã gián tiếp gây ra những hậu quả nặng nề sau mỗi cơn lũ.
Giữa năm 2016, lũ quét, sạt lở đất ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai làm 60 người chết, mất tích, nhiều công trình hạ tầng bị sạt lở, hư hỏng ước tính thiệt hại khoảng 9.032 tỷ đồng. Năm 2017, lũ quét và sạt lở đất làm 71 người chết và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi.
Câu chuyện này vẫn đang là chủ đề có tính thời sự khi những hậu quả của trận lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23-26/6/2018 tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn đó. “Riêng đợt lũ quét và sạt lở đất tháng 6/2018 vừa qua, địa phương chúng tôi có 29 người chết, thiệt hại khoảng gần 100 tỷ đồng…”, ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu nói.
Trao đổi với PLVN về sự hung hãn của những dòng lũ trên vùng núi phía Bắc những năm qua, PGS.TS Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, khẳng định: “Các tỉnh này ngoài đặc trưng về độ dốc địa hình thì chất lượng rừng đầu nguồn suy giảm có thể coi là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc gia tăng thiên tai”.
Ngoài ra, theo vị này, thói quen sinh hoạt của đồng bào như canh tác, định cư ngay dưới các chân núi, khu vực dễ xảy ra sạt lở cũng là một trong những nguyên nhân cần được bàn tới và khẩn trương có giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản mỗi khi có lũ quét, sạt lở đất ập xuống từ các triền núi.
“Để thay đổi được thói quen của đồng bào không phải là điều dễ dàng, nhưng quan trọng là cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến kiến thức ứng phó thiên tai, hướng bà con định canh, định cư và phát triển ở những nơi an toàn thì sẽ không bị động mỗi khi lũ lụt ập tới”, lời ông Phong.
Nhiều nước “show” công nghệ tại “rốn” lũ
Nhìn nhận và đánh giá các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, thời gian gần đây, Bộ NN&PTNN đã có nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác quan trắc, cảnh báo.
Trao đổi với PLVN, bà Đoàn Thị Tuyết Nga - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) cho hay, Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án, đề tài điều tra, khảo sát nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất như điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam, với giai đoạn 1 ở khu vực miền núi Bắc bộ, khu vực miền Trung và Tây Nguyên và tăng cường khả năng giảm nhẹ rủi ro thiên tai thí điểm tại một số tỉnh Lào Cai, Yên Bái... Theo đó, các dự án, đề tài nói trên đã đề ra những giải pháp cụ thể đối với lũ quét và sạt lở đất.
Với quan điểm “phòng hơn chống” do loại hình thiên tai này luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, khó đối phó, bà Đặng Thanh Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, nếu như Đồng bằng sông Cửu Long đã có bản đồ các điểm hay sạt lở thì ở vùng núi phía Bắc cũng nên có các bản đồ hiện trạng và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để phát hiện, khoanh vùng những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.
“Cần nhận biết nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thông qua các bản đồ nguy cơ và kế hoạch điều tra, khảo sát đã công bố. Đặc biệt, cần tìm hiểu đánh giá mức độ nguy hiểm nơi sinh sống và không nên dựng nhà sát vách sườn núi dốc, bên cạnh hoặc gần đường dẫn nước như suối, lạch nước… để phòng chống, chuẩn bị cho các trường hợp khi có lũ quét và sạt lở đất”, lời bà Mai.
Liên quan vấn đề này, ông Tak Ishikawa - Trưởng đại diện Công ty Nippon steel and Sumikin Metal Products, đại diện Hiệp hội Phòng chống thiên tai Nhật Bản tại Việt Nam, mới đây đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của nước Nhật trong ứng phó với loại hình thiên tai này.
“Cụ thể, ở Nhật Bản chúng tôi đang sử dụng đập sabo hở bằng thép trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất, việc này giúp giữ lại đất đá lớn, gỗ trôi dạt khi lũ quét xảy ra, đồng thời để cát, đất, bùn chảy xuống trong điều kiện bình thường, đảm bảo độ dốc lòng suối, bảo vệ dòng suối và hệ sinh thái không cản trở động vật hay cá di chuyển, đảm bảo sự liên tục của dòng suối... Tôi nghĩ, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng giải pháp này”, ông Tak Ishikawa khẳng định.
Ông Nguyễn Tùng Phong cho biết thêm, cơ quan này cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Hàn Quốc trong việc lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ quét và đã cho thí điểm tại Lào Cai từ năm ngoái. Mô hình này đang thu được nhiều kết quả tích cực và sẽ nhân rộng trong thời gian tới. Theo đó, hệ thống cảnh báo bằng loa và còi được đặt tại các vị trí dễ xảy ra lũ. Vị trí này đã được khảo sát kỹ, thường là ở hạ lưu các sông, suối nhỏ. Nguyên lý hoạt động dựa trên những phân tích rất kỹ và chi tiết về đặc điểm thủy văn, đồng thời dự báo chính xác lưu vực hay xảy ra lũ quét.
“Sau khi thí nghiệm và hoạt động tốt ở Lào Cai, chúng tôi đã lắp đặt tiếp 2 điểm tại Yên Bái. Chính quyền tỉnh này đang đề xuất có thêm 3 nơi nữa để giảm thiểu hậu quả của thiên tai”, TS.Phong nói.