Chiều 29/5, tại TP Đà Nẵng, Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp (Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hội đồng Tư vấn về Khoa học, giáo dục và môi trường tổ chức tọa đàm “Ô nhiễm rác thải và giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam”.
Tọa đàm “Ô nhiễm rác thải và giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam”. |
Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, đốt rác phát điện đang là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như: Nhật Bản , EU, … bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa cung cấp năng lượng cho xã hội. Thế nhưng, tại Việt Nam, hiện có nhiều dự án điện rác ở khắp các địa bàn tỉnh thành nhưng phần lớn không mang lại hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, ô nhiễm rác thải sinh hoạt, cả ở khu vực thành thị và khu vực nông thôn hiện nay ở Việt Nam là một vấn đề nóng, gây bức xúc trong các cộng đồng dân cư.
Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về các vấn đề phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường cũng đã có nhiều nội dung nhấn mạnh đến giải quyết ô nhiễm rác thải bằng các công nghệ hiện đại và phù hợp với Việt Nam.
"Trong tương lai cần nhắm tới chủ đề các công nghệ xử lý rác thải. Trong đó, sẽ tổng kết một cách khái quát thực trạng hiện nay, đánh giá các công nghệ đã và đang được áp dụng tại Việt Nam, phân tích nguyên nhân vì sao ô nhiễm rác thải chưa được giải quyết một cách cơ bản và lâu dài. Từ đó, đề xuất định hướng và các giải pháp công nghệ phù hợp", ông Nguyễn Thượng Hiền nói.
Xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nóng tại nhiều địa phương |
Tại Việt Nam, Đà Nẵng được xem là địa phương đang có nhiều quan tâm đến dự án xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu), đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn chính xác công nghệ tối ưu và nhà đầu tư phù hợp nhất để giải quyết cơ bản và lâu dài bài toán ô nhiễm rác thải tại địa bàn.
Đề cập về công nghệ xử lý thải không chôn lấp của Việt Nam tại Đà Nẵng, TS Mai Huy Tân, giám đốc công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức cho hay, công ty Môi trường Việt Nam tại Đà Nẵng có một hệ thống xử lý bán cơ giới để phân loại rác. Các rác thải nhựa và túi ni lông được nấu và biến thành các loại như dầu FO và RO,... và những chất thải khác được đốt và trộn với xi măng và một số phụ gia để ép thành vật liệu xây dựng không nung. Tuy nhiên chi phí để sản xuất ra những sản phẩm tương đối cao nhưng giá thành của các sản phẩm đầu ra sau khi tái chế thì thấp vì vậy mà dự án đã dừng lại.
Trước thực trạng ô nhiễm rác thải tại địa bàn, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng nhìn nhận, khi đề cập đến loại công nghệ nào có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm thì các nhà chức trách luôn quan tâm đến chi phí xử lý. Để hướng đến mục tiêu mà chuyên gia đưa ra thì bài toán ngân sách luôn là vấn đề nan giải của các địa phương.
Đà Nẵng vẫn đang xử lý rác thải theo phương pháp chôn lấp |
“Hiện nay Đà Nẵng vẫn đang xử lý theo phương pháp chôn lấp, chi phí Đà Nẵng chi trả cho 1 tấn rác để chôn lấp là 42.000 đồng/ 1 tấn trong khi đó các nhà đầu tư giới thiệu các loại công nghệ nào cho thành phố thì không có loại nào dưới 20USD”, ông Hùng nhìn nhận.
Ông Tô Văn Hùng cho biết thêm, quy định tiếp cận với dự án đốt phát điện còn gặp nhiều trở ngại. Riêng việc đưa vào quy hoạch tham mưu điện lưới quốc gia thì cần tham mưu ý kiến của nhiều cơ quan trong thời gian dài. Để đưa ra một đàm phán, có hợp đồng và xác định giá trị đầu tư để xử lý rác là vấn đề lớn bởi hiện nay vẫn chưa có định giá về công nghệ xử lý. Đồng thời, việc tìm kiếm nhà đầu tư, kêu gọi cũng là khâu phức tạp để phù hợp với hoàn cảnh từng địa bàn.