Thành viên của nhóm thám hiểm đứng bên rìa miệng núi lửa mới được hình thành trên Bán đảo Yamal, nằm ở phía Bắc Siberia ngày 9/11/2014. Ảnh: Reuters |
Theo dữ liệu từ Conpernicus – Chương trình quan sát Trái Đất của Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ toàn cầu tháng 6 tương đương với mức cao kỷ lục năm 2019 và “sự ấm áp bất thường” được ghi nhận trên khắp vùng Siberia ở Bắc Cực, một phần của xu hướng mà các nhà khoa học gọi là “đáng báo động”.
Các dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình trong khu vực cao hơn 5 độ C so với bình thường và cao hơn 1 độ C so với 2 tháng 6 ấm nhất trước đây hồi năm 2018 và 2019.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng đang nỗ lực tìm cách xác nhận các báo cáo về chỉ số nhiệt độ hơn 38 độ C ở Siberia, mức nhiệt cao nhất được ghi nhận tại khu vực phía Bắc của Bắc Cực.
“Điều đáng lo ngại là Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới”, ông Carlo Buontempo - Giám đốc Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu của Copernicus nhấn mạnh.
Sức nóng bất thường đã làm bốc hơi ẩm từ khắp các khu rừng và lãnh nguyên rộng lớn của khu vực, làm bùng phát các vụ cháy rừng dữ dội kể từ giữa tháng 6.
Cơ quan Lâm nghiệp nước Nga cho biết, tính đến ngày 6/7, có 246 vụ cháy rừng với diện tích 140.073 ha rừng bị tàn phá và nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 khu vực.
Copernicus cho biết số lượng các đám cháy đã vượt kỷ lục tại khu vực này hồi tháng 6/2019.
Mark Parrington – nhà khoa học cấp cao tại Copernicus cho biết: “Nhiệt độ cao hơn và tình trạng bề mặt khô hơn đang tạo điều kiện lý tưởng cho các đám cháy bùng phát và kéo dài trên khu vực rộng lớn như vậy”.
Theo EU, lượng khí thải CO2 phát ra từ các vụ cháy rừng ở khu vực này trong tháng 6 ước tính lên đến 59 triệu tấn, cao hơn so với 53 triệu tấn hồi năm 2019.