“Nhặt” ý thức

Lê Trần Anh Ngọc| 10/03/2022 09:00

Kết quả một đêm nhặt nhạnh những thứ ngoài bờ kè Bình Quới Tây. Bên bờ Sông Sài Gòn tấp nập tàu bè của mình là… vô số lưỡi câu ai đó “bỏ quên”.

Những chiếc lưỡi câu còn vương lại trong mớ dây câu cọng cước bên đường, trên bờ kè dài tới hàng cây số. Mỗi tháng vài lần, mình thường lang thang đi nhặt nhạnh như thế, mỗi lần đi nhặt thường mất gần cả đêm. Và kết quả lần nào cũng ngót trăm lưỡi câu (trong hình xếp gọn là mình đã bỏ đi những lưỡi rỉ sét hay lụt đầu, chỉ giữ lại những lưỡi còn tốt để vào hộp cất cẩn thận, lòng tự hỏi không biết khi nào mới dùng hết. Chắc phải ghép tranh treo tường quá)!

Ngoài lưỡi câu ra thì còn có phao, chì, móc khóa các loại và dây cước. Dây cước thì mình gom lại, cho vào thùng tái chế công cộng, chỉ mang lưỡi câu về.

t6.2.jpg

Bức tranh treo tường được ghép bằng lưỡi câu.

Ở bờ kè này, người đi bộ, trẻ em chơi đùa khá đông. Chứng kiến những đứa trẻ vô tư chơi đùa mà không biết dưới chân có vật thể nguy hiểm đã hối thúc mình phải làm gì đó. Nghĩ là phải làm, không làm thì đầu óc bứt rứt và chân tay buồn bực. Thế là “một ngày đẹp trời”, mình sắp lịch hàng tháng ít nhất có một đến hai buổi đi nhặt lưỡi câu và các thứ rác khác, trả lại an toàn cho bờ kè và mang lại chút bình yên cho trẻ nhỏ vui chơi, người già đi bộ.

Mình chọn làm việc này ban đêm. Là vì, sau mấy buổi đầu nhặt ban ngày không hiệu quả do đông người đi lại và ánh sáng không thuận lợi bằng ban đêm. Buổi đêm, ánh sáng đèn điện sẽ có phản xạ rõ hơn với kim loại khiến các lưỡi câu phát sáng nên rất dễ phát hiện. Những cái lưỡi bé tý nằm lẫn trong cỏ vẫn bị ánh sáng đèn điện “chỉ điểm” cho mình.

Mình biết, mặc dù để ở đây rồi thì kim loại cũng sẽ rỉ ra và phân hủy theo thời gian, nhưng chờ đợi nó phân hủy chẳng biết đến bao giờ. Hơn nữa, có nhiều loại lưỡi làm bằng titan, hợp kim nhôm và nhiều loại kim loại trơ khác. Nó không phân hủy mà nằm trơ trơ đó. Thậm chí, có cả lưỡi câu bằng vàng. Các bạn có thể soi trong hình có 1 lưỡi bằng vàng 18k. Vàng thật đó ạ. Mình đã mang đi phân kim thử.

Kể câu chuyện này với các bạn không phải để khoe việc mình làm, mà mình chỉ muốn nói rằng những lưỡi câu này sẽ tồn tại rất lâu, hàng chục hàng trăm năm hay vài đời người để chờ làm tổn thương ai đó. Người xài những cái lưỡi câu này giàu tính giải trí nhưng ý thức thì nghèo lắm.

Qua câu chuyện của mình, mình mong rằng ai đó đam mê môn câu cá mà đã từng vứt các lưỡi câu nguy hiểm kia nên nghĩ lại trước khi tiện tay "bỏ quên" nó lại, đừng để người khác phải đi “nhặt ý thức" của các bạn bị đánh rơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nhặt” ý thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO