Nhanh như phóng viên “bám bão”

Tuyết Chinh| 18/06/2020 18:21

(TN&MT) - Gần 2 năm gắn bó với công tác tuyên truyền ngành Khí tượng thuỷ văn, cùng người làm nghề khí tượng đi qua mùa bão lũ năm 2019, “nhanh, kịp thời, chính xác” có lẽ là cụm từ tôi được nghe nhiều nhất. Đó không chỉ là kim chỉ nam của những người làm công tác dự báo mà còn là phương châm tác nghiệp của tôi - nữ Phóng viên đưa tin bão.

Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 đang tạo ra sự thay đổi trong hoạt động của các cơ quan báo chí. Người dân sở hữu những phương tiện nghe, nhìn hiện đại, nhiều tính năng, đòi hỏi những Phóng viên, Nhà báo phải tìm cách thích ứng với thời cuộc để không bị bỏ lại phía sau. Để làm được điều đó, bản thân tôi là một Phóng viên trẻ không chỉ rèn kỹ năng nghề nghiệp, cách tiếp cận, khai thác thông tin nhanh, chính xác, độc, lạ… mà còn phải luôn trau dồi những kiến thức làm báo của thời đại Công nghệ 4.0 để sử dụng thành thạo các tính năng công nghệ kỹ thuật.

Phóng viên báo điện tử trau dồi kỹ năng lấy tư liệu, viết, dựng lên truyền hình

Điều cần thiết đầu tiên với tôi đó là trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết để tác nghiệp như: Máy chụp hình, laptop, điện thoại kết nối mạng, máy ghi âm với mong muốn truyền tải những thông tin nhanh, chính xác nhất tới độc giả, cũng như những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Bộ TN&MT, ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV), đơn vị dự báo trong việc dự báo, cảnh báo báo, lũ, những tác động do bão, lũ để chủ động phòng, chống và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Biên tập.

Mỗi mùa bão, lũ, đơn vị dự báo KTTV quốc gia luôn phải chủ động thông tin sớm, nhanh, kịp thời, chính xác và thường xuyên. Với vai trò là Phóng viên khí tượng, tôi phải bám sát những thông tin đó một cách nhanh nhất chuyển tải đến bạn đọc một cách dễ hiểu nhất trên báo điện tử. Sau đó, tiếp tục khai thác sâu, phỏng vấn chuyên gia KTTV về tình hình, diễn biến, dự báo vùng ảnh hưởng, những tác động của cơn bão, lũ đối với các khu vực… để cảnh báo người dân thông qua các tác phẩm đăng trên ấn phẩm phù hợp (báo in, báo điện tử).

Trước đây, Phóng viên chuyên mảng báo hình làm các công việc lấy tư liệu, viết, dựng lên truyền hình; còn Phóng viên báo in, điện tử thì lấy tư liệu, chụp ảnh, viết bài, gửi bài cho Biên tập trên hệ thống phần mềm điện tử. Nhưng hiện nay, trong dòng chảy 4.0, tôi và các đồng nghiệp đang tiếp cận với cách làm báo đa phương tiện. Nghĩa là khi tác nghiệp một sự kiện thời sự phải làm nhiều việc: Lấy tư liệu, chụp ảnh, viết phù hợp cho nhiều loại hình.

Trong thiên tai bão lũ, điều đầu tiên cần là sức khỏe. Khi có điều đó, mình mới cố gắng, có động lực để tiếp tục. Với một Phóng viên nữ, không phải ai cũng có thể theo đuổi công việc này, đó là bài học mà tôi rút ra khi đã đi qua một mùa bão lũ khắc nghiệt cùng những người làm nghề khí tượng.

 “Bám bão” cho đến tận những thông tin cuối cùng về thiệt hại do bão, lũ gây ra; dù không tác nghiệp ở vùng “rốn” của bão, lũ, nhưng sức nóng của từng cơn bão, lũ đã được thể hiện qua từng thông tin, video clip mà tôi thực hiện. Có những ngày bão đổ bộ hay diễn biễn bất thường, tôi cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ quay phim vẫn miệt mài “trắng đêm” cùng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ và những người làm công tác dự báo để có thể cập thời cập nhật thông tin và những chỉ đạo sát sao nhất về cơn bão.

Có thể nói, tác nghiệp ở sự kiện “nóng” như bão, lũ với áp lực thông tin dày đặc đòi hỏi Phóng viên phải nhanh, nhạy trong việc xử lý thông tin, tôi đã từng bước trưởng thành, nâng cao tay nghề, cùng với đó là vun đắp cho tình yêu và niềm say mê với nghề báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhanh như phóng viên “bám bão”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO