Nhà nông vùng cao "thay tư duy, đổi cuộc đời"...
(TN&MT) - Tháng 4, tôi có chuyến công tác lên Lai Châu. Dọc Quốc lộ 12 từ Điện Biên lên Lai Châu dễ dàng nhận thấy sự khác biệt, thay đổi nhận thức của người dân sở tại về thói quen canh tác. Ha i bên đường những vạt nương chuối nối tiếp chạy dài từ Thị trấn Phong Thổ đi xã Nậm Xe, Ma Ly Pho và một số xã khác… được trồng đại trà, bạt ngàn. Điều đó, phản ánh một phần về tư duy của đồng bào các DTTS đã thay đổi, đã biết tạo ra vùng nguyên liệu, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp lên một bước, tạo đà thay đổi cuộc đời vốn đói nghèo...
Nỗ lực nhiều…
Công bằng mà nói: ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu trong những năm qua đã được một số thành tựu nhất định so với nhiều năm trở lại đây. Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đã bắt đầu thay đổi thói quen canh tác, tư duy mùa vụ “ơn trời mưa nắng phải thì”, thay vào đó là tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, như: Sâm ngọc linh, cây chè cổ thụ, hoa địa lan và rau củ quả… Đồng bào các DTTS ở Lai Châu không đơn thuần trồng ngô, lúa. Đã biết thay đổi cơ cấu cây trồng theo thị hiếu của thị trường, nhu cầu người tiêu dùng.
Lai Châu từ năm 2020 đến nay có khoảng 124 sản phẩm của 57 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP, đạt 3 sao trở lên 113 sản phẩm, 4 sao 11 sản phẩm và 5 sao có 2 sản phẩm. Đó chưa phải là tất cả những gì của ngành nông nghiệp Lai Châu đã và đang có, song phần nào phản ánh những nỗ lực của địa phương, của ngành và đồng bào các DTTS ở Lai Châu.
Song, có một thực tế hiện nay, Lai Châu và một số tỉnh trong Khu vực Tây Bắc đang tồn tại một thực trạng, sản phẩm OCOP chỉ đủ để chào và giới thiệu sản phẩm tại một số gian hàng nhỏ lẻ, hội chợ thương mại nông sản trong nước và trong tỉnh.
Vùng nguyên liệu chưa đủ để các thương lái hàng nông sản có thể tham gia mua với số lượng lớn. Ở Lai Châu các sản phẩm nông nghiệp dường như thứ gì cũng có, nhưng không tập trung, nên sản phẩm nông nghiệp của Lai Châu chưa thể trở thành hàng hóa theo đúng nghĩa để tham gia thị trường lớn…
Trong những khó khăn của ngành sản xuất nông nghiệp có yếu tố khách quan do địa hình dốc, đất canh tác không tập trung, khó đưa cơ giới vào trong sản xuất, nên đồng bào mất nhiều công lao động. Mặt khác, khí hậu phân biệt rõ 2 mùa: mùa mưa và mùa khô, nên làm ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Hệ thống kênh mương thủy lợi vì thế cũng bị bão lũ thường xuyên làm hư hại, đất trồng bị rửa trôi màu mỡ…
Ngoài ra còn có yếu tố xã hội, đơn cử một lao động tham gia sản xuất nông nghiệp có sự may rủi, chịu sự tác động từ nhiều phía thời tiết, khí hậu, thị trường… Nhẩm tính, mỗi một hộ gia đình người dân vùng cao bỏ ra 2 lao động chính để sản xuất lúa nương, sau 1 năm trừ chi phí, công chăm sóc thì lợi nhuận không xứng với công sức bỏ ra. Trung bình, 1ha lúa nương chỉ được khoảng hơn 1 tấn lúa tươi/ vụ đầu, nếu mất mùa thì chỉ được 7 - 8 bao. Trong khi 1 tấn lúa tươi chỉ bán được khoảng 7 - 8 triệu đồng. Nếu 1 công lao động chính tham gia làm công nhân cho các nhà máy trừ chi tiêu ăn uống, tiết kiệm mỗi năm vẫn để ra được vài chục triệu đồng. Đó là những nguyên nhân dẫn đến ngành nông nghiệp nói chung, ở Lai Châu nói riêng gặp khó khăn trong quá trình triển khai các đề án tái cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp.
… và hướng đến giảm nghèo bền vững
Trước những thực trạng đó của ngành nông nghiệp Lai Châu đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; đề án phát triển rừng và một số cây dược liệu; đề án phát triển sản xuất nông nghiệp dành riêng cho những xã biên giới đặc biệt khó khăn; đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn… cho cả giai đoạn từ 2021 - 2025 và định hướng tầm nhìn đến năm 2030 cùng với đó là một số chính sách đi kèm như: chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp hàng hóa; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho cả giai đoạn.
Nhìn lại ngành nông nghiệp Lai Châu trong thời gian qua, sản lượng lúa đông xuân tăng so với kế hoạch 280 tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Đưa tổng đàn gia súc chính ước đạt 323.130 con, tăng 13.665 con so với kế hoạch cùng kỳ năm trước, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 21.588m3. Diện tích cây chè 9.357ha, sản lượng chè búp tươi 48.000 tấn; cây ăn quả 8.170ha, sản lượng ước đạt 60.000 tấn…
Cùng với đó, Lai Châu đã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng, quản lí lâm sản quý hiếm, nên các vụ cháy rừng giảm rõ rệt. Công tác bảo vệ, phát triển rừng, trồng rừng được từng bước được nâng lên và cải thiện đáng kể.
Chương trình xây dựng nông thôn mới từng bước được nâng lên đã có 39/94 xã đạt chuẩn từ 15 - 18 tiêu chí trở lên, 35 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Kinh tế trang trại có khoảng 135 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu, thu hút 1.207 thành viên, giải quyết việc làm cho 1.451 lao động; có 20 HTX tham gia liên kế, tổng thu nhập bình quân lao động ước đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 450 triệu đồng/HTX.
Đó là những con số biết nói, phản ánh những nỗ lực cố gắng của ngành nông nghiệp Lai Châu. Tuy chưa phải là tất cả, song đã đem lại phần nào đời sống ấm no, thu nhập ổn định cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Bình, Chủ nhiệm HTX cá tầm Dương Yến cho biết: Việc thành hay bại đều phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, song cơ bản nhất vẫn là chất lượng tuyên truyền xuống cho người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách đi kèm và năng lực của cán bộ cùng với khát vọng làm giàu của người dân.
Nếu lòng dân đã thuận, có ý trí vươn lên, có khát vọng làm giàu, không ngại khó, ngại khổ, không trông chờ ỷ nại… thì mọi khó khăn trước mắt chỉ là một vật cản rất nhỏ trên đường đi đến đích. Chẳng có con đường hạnh phúc no ấm nào lại không lao tâm khổ tứ, không đổ mồ hôi. Quan trọng là người dân có thực sự muốn thoát nghèo.
Gắn bó với vùng cao nhiều năm, tôi nhận thấy, nếp nghĩ cách làm của đồng bào các DTTS vài năm trở lại đây đã thay đổi. Họ đã bắt đầu biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong chăn nuôi, trồng trọt, biến sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa. Điển hình như huyện Phong Thổ, tính riêng năm 2021, 2022 huyện đã bán cho các thương lái mua chuối xuất khẩu sang Trung Quốc hàng vài trăm tấn. Trong những năm qua, cây chuối là cây xóa đói giảm nghèo của huyện Phong Thổ, Lai Châu.
Chính quyền cấp huyện, thị các địa phương đều ý thức được tầm quan trọng, vai trò của ngành kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, việc thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, khí hậu thổ nhưỡng ở Lai Châu. Chính vì vậy, đã có nhiều mô hình được hình thành nhân rộng từ địa phương, như: Mô hình nuôi cá hồi, cá tầm, mô hình trồng địa lan của huyện Phong Thổ; Mô hình trồng sâm ngọc linh, cây đương quy dưới tán rừng... bước đầu đã mang lại hiệu quả, thu nhập cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Đức, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, chia sẻ: Những năm trở lại đây, đồng bào các DTTS bắt đầu chuyển hướng nuôi, trồng những giống cây, giống con mang lại hiệu quả kinh tế cao thay cho việc trồng ngô, trồng lúa. Đó là những tín hiệu tốt trong việc nhận thức của người dân hướng đến sản xuất nông sản theo hàng hóa. Điển hình như huyện Phong Thổ, diện tích trồng chuối của người dân đã tăng lên gần 4.000 ha, mặc dù đang trong giai đoạn bước vào thoái hóa cần trồng thay thế. Song điều đó đã cho thấy đồng bào các DTTS biết thay đổi nếp nghĩ để trồng cả một vùng, biến địa phương mình trở thành vùng nguyên liệu để thu hút các tư thương lớn có mối xuất khẩu sang thị trường lớn. Nhiều hộ gia đình của Phong Thổ vì đó vươn lên thoát nghèo trong những năm qua.
Không riêng gì cây chuối, cây sâm... một số giống cây trồng khác như: Lúa, ngô, chè... đã giúp đồng bào Lai Châu thoát nghèo trong những năm qua.