Khi đưa ra tiêu chí “sạch”, chính là lúc chúng ta cảm nhận rõ nhất về sự bẩn đang hiện hữu. Sự không sạch như một vòi bạch tuộc quấn chặt mọi khía cạnh khác nhau của đời sống, tạo thành một mớ bòng bong.
Hơn 20 năm trước, khi bước vào trường đại học, không ai đặt vấn đề sạch, bẩn trong giáo dục. Giờ lật báo, xem mạng xã hội thấy nhiều bạo lực và lừa lọc… “Sự bẩn” đã không còn là vấn đề của từng lĩnh vực riêng biệt.
Về kinh tế, Việt Nam trong mấy năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế thường được nhắc đến nhiều nhất, như một mỹ từ. Nhưng đằng sau các con số tăng trưởng là các khoản đầu tư công vô cùng lớn nhưng hiệu quả kém, thâm hụt… Một đường sắt trên cao chậm tiến độ, hoãn đi hoãn lại cả thập kỷ chưa xong đã để lại bao hệ lụy, là điểm “xấu xí” trong các mục tiêu đầu tư không hiệu quả còn hiển hiện. Đó mới chỉ là một công trình.
Cái điểm “xấu xí” đó phát sinh từ đâu? Nhìn lại quãng thời gian 15 năm qua, về môi trường kinh doanh, riêng FDI, trong giai đoạn rất dài, một tỷ lệ rất lớn các nhà đầu tư khi vào Việt Nam đã “né” được tiêu chuẩn môi trường vốn dễ dãi hơn nhiều so với các nước khác, đất lại rẻ, tiêu dùng năng lượng thả ga… Những kẽ hở này do chính sách còn hạn chế, chưa bắt kịp với dòng chảy chung của thế giới. Bởi vậy, đã có những cảnh báo rằng, thế hệ sắp tới sẽ phải chịu gánh nợ nần, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên. Đó là cái giá của tăng trưởng không bền vững, gây hệ quả tai hại cho môi trường sống và môi trường xã hội, đưa tham nhũng lên ngôi. Làm sao “siêu dự án” chục tỷ đô chiếm 1/3 diện tích một tỉnh nhưng vẫn được cấp phép? Làm sao có quá nhiều sân golf, sản xuất thép, khai khoáng... là mối đe dọa lên nguồn tài nguyên năng lượng và môi trường?! Còn nhiều câu hỏi khác chưa có câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta không thể tăng trưởng bằng vay nợ và khai thác tài nguyên.
Sạch và bẩn là sự lựa chọn sống còn từ Nhà nước đến từng người dân, từ doanh nghiệp cho đến chính quyền địa phương… Trên thế giới, đã có những thành phố tăng trưởng cao, nhưng đổi lại, người dân phải sống trong bầu không khí ô nhiễm, suốt ngày mờ sương bởi khói công nghiệp. Phải tính đến GDP sạch - đó mới là hướng phát triển bền vững. Với cách nhìn ấy, nếu công bố GDP, trừ đi chi phí môi trường, chúng ta tăng trưởng ở mức bao nhiêu phần trăm chỉ số dương?!
Kinh tế thì lúc trồi lúc sụt, sai lầm có thể sửa được, nhưng lương tâm xã hội và bản thân từng con người mà bị nhiễm bẩn thì rất khó sửa. Nhìn vào đời sống nhân sinh, lo lắng nhất là sự lạnh giá của lương tâm con người, người lương thiện muốn sống tốt sẽ bị cô độc, bị gạt ra khỏi hệ thống, không thể yên thân được… Con người đang trở nên vô cảm trước nỗi đau của người khác. Bản thân mỗi người cũng đang bị ô nhiễm nặng nề, trở nên trơ lì, chai sạn - đó mới là nguy cơ, hiểm hoạ lớn nhất…
Bây giờ, cả thế giới chia đều nguy cơ, sự nghèo đói đang có nguy cơ trở lại, không giới hạn ở một quốc gia nào, mà là toàn cầu. Một sự cố diễn ra ở quốc gia này đều khiến cho cả khu vực lãnh đủ như thiên tai, lụt lội… khiến cho chúng ta không thể kiểm soát được.
Để chuẩn bị đường dài cho sự thay đổi, chúng ta phải làm một cuộc cách mạng trong ý thức người dân, tạo thành những khối thống nhất. Nếu ý thức người dân còn mù mịt, thì lãnh đạo cũng bất lực. Thay đổi bất cứ một điều gì đều bắt đầu từ mỗi cá nhân, bắt đầu ngay từ bây giờ. Nếu mỗi người ý thức được về điều này, thì đó chính là thành công bước đầu. Mỗi người hãy chọn một việc tử tế để làm, và làm thật tốt, thật sạch.