Gắn camera lên sư tử biển để khám phá môi trường sống dưới đáy đại dương
(TN&MT) - Đó là sáng kiến độc đáo và thú vị của các nhà khoa học Australia. Họ đã sử dụng những con sư tử biển để khám phá môi trường sống dưới đáy đại dương bằng cách gắn camera trên lưng chúng.
Phát hiện 6 loại môi trường sống khác nhau dưới đáy đại dương
Trong một nghiên cứu vừa được công bố ngày 6/8 trên tạp chí Frontiers in Marine Science, các nhà nghiên cứu từ Đại học Adelaide và Viện Nghiên cứu và Phát triển Nam Australia (SARDI) đã gắn những chiếc camera nhỏ, nhẹ vào 8 con sư tử biển Australia cái trưởng thành và để chúng đi lang thang ngoài khơi bờ biển Nam Australia. Nhờ đó, họ đã thu thập được các đoạn phim với tổng thời lượng 89 giờ đồng hồ.
Bằng cách này, họ đã phát hiện ra một thế giới vô cùng đa dạng với ít nhất 6 loại môi trường sống khác nhau, từ những rạn san hô rực rỡ đến những đồng cỏ biển xanh mướt. Sau đó, họ sử dụng các mô hình máy học kết hợp với 21 năm quan sát và đo lường để dự đoán và xây dựng một bản đồ chi tiết về các môi trường sống trên diện tích 5.000 km2 ở vùng thềm lục địa phía Nam Australia.
Việc tận dụng sư tử biển để nghiên cứu biển sâu mang lại nhiều lợi thế so với các phương pháp truyền thống vì loài này có thể lặn sâu và tiếp cận những khu vực mà tàu nghiên cứu khó có thể đến được. Nhờ đó, các nhà khoa học đã có được những dữ liệu quý báu về các môi trường sống trên khắp khu vực rộng lớn dưới đáy đại dương.
Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu thu thập được có thể cung cấp thông tin quan trọng cho việc bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và theo dõi các loài sinh vật biển. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu hy vọng dữ liệu sẽ cung cấp thông tin cho các nỗ lực bảo tồn sư tử biển, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, và làm sáng tỏ một số bí ẩn dưới đáy đại dương.
Ông Nathan Angelakis, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, đoạn phim mà sư tử biển ghi lại đã tiết lộ một số cảnh tượng "gây kinh ngạc", như sư tử biển lật úp những tảng đá dưới đáy biển để bắt bạch tuộc, hoặc dẫn đàn con của chúng ra biển để dạy con cách kiếm ăn…
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Ông Angelakis bắt đầu sử dụng sư tử biển để lập bản đồ môi trường sống đại dương xa lạ cách đây khoảng 4 năm như một phần của nghiên cứu tiến sĩ của mình. Đáy biển là hệ sinh thái đa dạng và nhạy cảm, và chúng ta biết rất ít về cách chúng hoạt động. Thông thường, việc khám phá chúng được thực hiện bằng các phương tiện dưới nước điều khiển từ xa, nhưng việc triển khai và vận hành các thiết bị đó rất tốn kém và chỉ có thể thực hiện được trong một số điều kiện thời tiết và địa hình nhất định.
Tuy nhiên, sư tử biển Australia có thể được triển khai với chi phí thấp hơn, có thể ghi lại cảnh quay nhanh chóng trên các khu vực rộng lớn khó tiếp cận và ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Nghiên cứu cho biết, việc ghi lại các môi trường sống dưới đáy đại dương - từ góc nhìn của sư tử biển cũng hữu ích, vì nó "cung cấp một cách mới để hiểu giá trị sinh thái" của các môi trường sống đó "từ góc nhìn của một kẻ săn mồi".
Theo ông Angelakis, một số môi trường sống sẽ phù hợp với một số loài sư tử biển nhất định. Các môi trường này sẽ có những đặc điểm có giá trị khác, khác với những đặc điểm mà con người ưu tiên như đa dạng sinh học. Ông cho biết, bằng cách cố gắng sử dụng "các số liệu của con người, lấy con người làm trung tâm để định lượng giá trị của một môi trường sống, bạn có thể bỏ lỡ những điều quan trọng".
Các nhà khoa học khác đã sử dụng động vật để nghiên cứu môi trường biển, bao gồm cả ở Nam Phi, nơi cá mập trắng được gắn camera để ghi lại môi trường sống của rừng tảo bẹ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Australia cho biết, họ có thể là những người đầu tiên sử dụng sư tử biển để lập bản đồ các môi trường sống, vốn chưa được lập trước đây của thềm lục địa ở miền Nam Australia.
Bà Katie Dunkley, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về hành vi biển tại Đại học Cambridge (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu của Australia cho biết, nghiên cứu này là "bằng chứng về khái niệm" cho việc sử dụng sư tử biển mới lạ để lập bản đồ môi trường sống dưới đáy đại dương. Bà đánh giá: “Phương pháp tiếp cận này cho phép chúng ta thấy rõ cách động vật và hành vi của chúng tương tác trực tiếp với môi trường sống của chúng, điều này thật thú vị".