Nguy cơ tai biến địa chất ở Việt Nam - Ba đới đứt gãy quan trọng vẫn đang hoạt động

05/09/2013 00:00

Đề tài: "Nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của các đứt gãy hoạt động trong Neogen và Đệ tứ. Dự báo khả năng và mức độ gây ra tai biến địa chất của...

   
(TN&MT) - Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc đã hoàn thành đề tài: "Nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của các đứt gãy hoạt động trong Neogen và Đệ tứ. Dự báo khả năng và mức độ gây ra tai biến địa chất của chúng" và chỉ ra rằng, hiện có 3 đới đứt gãy quan trọng vẫn đang hoạt động trên lãnh thổ nước ta. Cần chú ý theo dõi để kịp thời ứng phó khi tai biến địa chất xảy ra.
   
  Đứt gãy Tân kiến tạo, đặc biệt là các đứt gãy hoạt động trong giai đoạn từ Neogen đến Đệ tứ là nguyên nhân gây ra nhiều dạng tai biến địa chất nguy hiểm như: động đất, nứt đất, trượt - lở đất đá, sụt lún đất, xói lở đường bờ... Từ kết quả nghiên cứu thực tế và trên hệ thống bản đồ địa chất, các nhà khoa học đã chỉ ra 3 đới đứt gãy chính trên bình đồ cấu tạo địa chất Việt Nam được hình thành và còn đang tiếp tục các hoạt động mạnh mẽ gồm đới Cao Bằng - Tiên Yên; Đa Krông - Huế; Sông Kôn - Ngũ Hành Sơn.
   
  Đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên (ĐCB - TY) có phương tây bắc - đông nam (TB - ĐN), xuất phát từ địa phận Trung Quốc, chạy vào lãnh thổ Việt Nam ở khu vực Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và kéo dài đến tận đảo Cái Bầu, tỉnh Quảng Ninh. ĐCB - TY hầu như trùm lên toàn bộ chiều dài QL4. Trên địa phận Việt Nam, đứt gãy có chiều dài trên 250km. ĐCB - TY gồm tập hợp các đứt gãy chính và các đứt gãy phụ, đứt gãy chính có đường phương uốn cong, kéo dài liên tục suốt dọc theo đới đứt gãy. Tại thị xã Cao Bằng, đới đứt gãy có dạng hình thoi kéo dài khoảng 30 km, rộng 12 km. Ở đây, đới đứt gãy gồm 2 đứt gãy chính ở hai bên, khống chế trũng Neogen - Đệ tứ kiểu "kéo toạc" ở Hà Quảng - Thất Khê và kiểu "tách giãn" như tại Cao Bằng - Nà Dương
   
  Qua điều tra, khảo sát địa chất cho thấy, trong giai đoạn hiện đại chúng vẫn đang hoạt động tích cực thể hiện ở những dải dị thường địa hóa khí đất, xuất lộ nước khoáng nóng, địa nhiệt, động đất và những tai biến địa chất nứt đất, trượt lở đất,….Hoạt động của đứt gãy trong Neogen - Đệ tứ đã hình thành và phát triển một số mỏ khoáng sản: than ở Na Dương, nước khoáng nóng ở Cao Bằng, Thất Khê,…Mặt khác, hoạt động tích cực của đứt gãy đã hình thành và phát triển một số loại hình tai biến địa chất: động đất, nứt đất, trượt lở đất,…gây nên hậu quả cho đời sống của cư dân địa phương.
   
  Đới đứt gãy Đa Krông - Huế (ĐĐK - H) dài trên 600km, được bắt đầu từ đông nam Thà Khẹt (trên lãnh thổ Lào) vào lãnh thổ Việt Nam ở bản A Dua (phía bắc Lao Bảo), chạy qua cầu treo Đa Krông, rồi chạy dọc theo đoạn sông Đak Rông qua bản Ta Leng (huyện Đa Krông), sau đó tiếp tục chạy dọc theo phần thượng nguồn sông Ô Lâu đến xã Phong Xuân (huyện Phong Điền), rồi chạy men theo chân sườn phía đông của các dải núi Ông Già, núi Đông, núi Bàn đến Hoà Vân (huyện Hương Điền); đến đây đới đứt gãy cắt qua đồng bằng và ra tới biển ở cửa Tư Hiền. Chiều dài của đới đứt gãy ở phần lãnh thổ Việt Nam khoảng 170km.
   
  Đáng chú ý là trong đới đứt gãy cũng phát triển hai loại trũng kiểu "kéo tách" và "tách giãn" được lấp đầy bởi các trầm tích Đệ tứ. Điển hình là các trũng "kéo tách"  ở Làng Mẹt, có diện tích  9 km2  và trũng làng Giao có diện tích 4 km2, kéo dài theo phương á kinh tuyến. Sau khi tiến hành đo lưới tọa độ độ cao GPS. Các nhà khoa học đã xác định, hiện các đới đứt gãy này vẫn đang hoạt động theo kiểu nâng lên, hạ xuống như đới đứt gãy Đa Krông - Huế đang chuyển động nâng lên so với cánh phía bắc, đông bắc với vận tốc trung bình khoảng 4mm/năm; cánh đông bắc của đứt gãy Đa Krông - Huế hạ xuống với biên độ và vận tốc cũng khá lớn, đạt cực đại 5 - 6mm/ năm trong Holocen - Hiện đại ở khu vực thành phố Huế. Các nghiên cứu còn phát hiện, đới đứt gãy Đa Krông - Huế, đoạn Phong Điền - Huế hoạt động chuyển dịch ngang phải - thuận. Biên độ và tốc độ chuyển dịch ngang của đứt gãy này tại Phong Xuân là 4mm/năm trong Đệ tứ muộn.
   
  Hoạt động hiện đại của ĐĐK - H thể hiện khá rõ nét ở những biểu hiện dị thường địa hoá khí đất, địa nhiệt, xuất lộ nguồn nước khoáng nóng và sự hình thành, phát triển các tai biến địa chất tại Thành phố Huế, khu Đại Nội, khu vực An Hòa, Phú Bài cắt qua nhiều khu vực dân cư làm nhiều ngôi nhà bị hư hại nặng. Tại Khe Lu (Đa Krong), điểm nước nóng nằm ngay trên đứt gãy phụ á kinh tuyến thuộc đới ĐĐK - H. Ở đây nguồn nước nóng thoát ra theo các khe nứt của đá xâm nhập granit tuổi Pecmi tạo nên một vùng rộng với diện tích 250m2 (10 x 25m). Nhiệt độ đo được ở trên miệng lỗ 65 độ  và có chất khí H2S thoát ra. Theo kết quả phân vùng động đất Việt Nam của Nguyễn Đình Xuyên và nhóm nghiên cứu (1997). ĐĐK - H là vùng phát sinh động đất có Msmax = 5.6 - 6 độ Richter và Hmax = 10 - 15km.
   
  Đới đứt gãy Sông Kôn - Ngũ Hành Sơn (ĐSK - NHS) là phần cuối phân nhánh của ĐHH - AL chạy theo phương á vĩ tuyến. Bắt đầu từ A Vương, đới đứt gãy chuyển theo phương AVT dọc theo thung lũng Sông Kôn, cắt qua dốc Kiền đến Ngũ Hành Sơn. Từ xã Hoà Phú, đới đứt gãy lại phân nhánh và kéo dài đến tận biển ở Ngũ Hành Sơn, dài khoảng 100km.
  ĐSK - NHS gồm tập hợp các đứt gãy chính và đứt gãy phụ phân bố theo quy luật nhất định. Đoạn AV - DK gồm đứt gãy chính phương AVT ở giữa và các đứt gãy phụ phân bố ở 2 bên cánh. Các đứt gãy phụ phương á kinh tuyến, TB - ĐN tập trung ở cánh tây nam. Sự kết hợp của chúng với đứt gãy chính tạo nên kiểu cấu trúc dạng "lông chim". Các đứt gãy chính của đoạn này chạy dài liên tục. Phần phía đông, đoạn Dốc Kiền - Ngũ Hành Sơn (DK - NHS) có sự kết hợp của các đứt gãy phụ với các đứt gãy chính tạo nên cấu trúc dạng "đuôi ngựa".
   
  Các kết quả phân tích khe nứt bằng phương pháp kiến tạo động lực cho thấy tính chất hoạt động của ĐSK - NHS  là trượt bằng phải và trượt bằng phải - nghịch. Những minh chứng về sự hoạt động hiện đại của đới Sông Kôn - Ngũ Hành Sơn thể hiện rất rõ bằng các dấu hiệu địa mạo, địa chất, các dị thường địa nhiệt, nồng độ khí đất (Rn, Hg, CO2, CH4), địa chấn và động đất v.v. Hàm lượng Rn, Hg trong khí đất có dị thường khá cao ở những vị trí có đứt gãy. Tại Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, xuất lộ nguồn nước khoáng nóng.  Các quá trình nứt đất, trượt lở đất phát triển dọc đới đứt gãy Sông Kôn - Ngũ Hành Sơn khá mạnh mẽ.
   
  Từ những kết luận của công tác điều tra, nghiên cứu khoa học tại thực địa và trên hệ thống bản đồ địa chất, các nhà khoa học đã đưa ra những cảnh báo về 12 loại tai biến địa chất tại một số địa điểm cụ thể mà đới đứt gãy hoạt động mạnh kể trên và yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà khoa học cũng như chính quyền địa phương trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
   
Kim Liên
  (Trích từ báo cáo nghiên cứu khoa học của  T.S Đào Văn Thịnh - Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc).
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ tai biến địa chất ở Việt Nam - Ba đới đứt gãy quan trọng vẫn đang hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO