Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù so với cùng kỳ năm trước tỷ lệ bệnh nhân vẫn thấp hơn, tuy nhiên, hiện các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) và sởi đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt cục bộ ở một số địa phương. “Việc gia tăng các bệnh này nằm trong dự liệu của Bộ Y tế, bởi TCM thường rộ vào thời điểm học sinh tựu trường; SXH xuất hiện vì đang vào mùa mưa còn sởi theo chu kỳ 4 năm một lần. Do vậy, hiện công tác phòng chống dịch bệnh được huy động tối đa để dập dịch, không để bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới”, ông Phu cho biết. Cũng theo ông Phu, dịch TCM tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, sởi ở phía Bắc và SXH nằm rải rác các tỉnh, thành trên cả nước.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 61.000 trường hợp mắc bệnh TCM tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam. Các tỉnh, thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng; bệnh sởi ghi nhận gần 3.000 trường hợp tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó có 1 ca tử vong tại Hưng Yên. Đồng thời, ghi nhận hơn 67.000 trường hợp mắc SXH.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, ngoài tiêm phòng vaccine đối với bệnh sởi, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh là điều cần thiết để bệnh dịch không lây lan. Đồng thời, khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, phát hiện, phân loại điều trị tránh biến chứng đáng tiếc.