Nguy cơ “bội thực” việc doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu

Đình Du| 23/10/2019 15:54

(TN&MT) - Việc ngân hàng siết tín dụng vay vốn khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản “đuối sức”, để tránh nguy cơ “chết lâm sàn”, các doanh nghiệp bất động sản đưa ra giải pháp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung vốn nhưng việc làm này nếu không có sự quản lý chặt chẽ rất dễ xảy ra tình trạng “bội thực”.

Dự án nằm "đắp chiếu" do thiếu vốn

Giải tỏa “cơn khát”… vốn                                               

Cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 36 về hạn chế tín dụng vào bất động sản. Sau lộ trình điều chỉnh, đầu năm 2019, các ngân hàng đã áp dụng việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%, còn hệ số rủi ro trong lĩnh vực này nâng từ 150% lên 200% khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản như “ngồi trên lửa” về việc tiếp cận nguồn vốn.

Điển hình tháng 10 vừa qua, mức lãi suất cho vay mua nhà với thời hạn 1 năm được ngân hàng BIDV duy trì ở mức 7,8% năm; Techcombank là 8,29%, ACB: 9,5%, VIB: 9,9%, VietinBank: 9,5%. Với kỳ hạn 2 năm, BIDV cho vay với lãi suất 8,8%, VietinBank là 10,5%, Vietcombank: 8,9%…

Dưới góc độ người đứng đầu Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu nhận định, thị trường bất động sản địa bàn TP.HCM đang rơi vào giai đoạn rất khó khăn, có xu hướng tuột xích, thủ tục pháp lý ách tắc kèm theo việc ngân hàng siết nguồn tín dụng khiến nhiều dự án nằm “đắp chiếu”.

“Để khắc phục khó khăn đó, các doanh nghiệp đã tự tìm hướng xoay trục cho mình, họ chủ động tiếp cận dòng vốn mới bằng cách phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư trái phiếu cũng cần lưu ý xem thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải chọn đơn vị có uy tín thương hiệu, phương án kinh doanh hiệu quả thì mới “trao thân gửi phận” để đảm bảo dòng tiền", ông Châu cho biết thêm.

Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thu hút được vốn đầu tư nhưng... '"lợi bất cập hại"

Nguy cơ bội thực

Còn chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho biết: “Trong thời buổi khó khăn, doanh nghiệp nghĩ ra rất nhiều cách tiếp cận nguồn vốn đề phù hợp với thực trạng thị trường hiện nay. Hiện nay, dòng vốn của hệ thống ngân hàng chiếm khoảng 70% là dòng vốn ngắn hạn và trung hạn, điều này khiến doanh nghiệp rất rủi ro về lãi suất đúng thời hạn. Thật sự việc phát hành trái phiếu cũng “lợi bất cập hại”. Vừa qua, lo ngại trước việc doanh nghiệp thi nhau phát hành trái phiếu, NHNN đã có động thái kiểm soát để hạn chế việc “bội thực” phát trái phiếu ra thị trường”.

Cũng theo ông Nhân, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro nhằm giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, theo dõi các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Thực tế, thị trường bất động sản 2019 không có dấu hiệu hồi phục, ảm đạm hơn bao giờ hết, dẫn đến hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro cho người đầu tư, đó là chưa kể đến việc các doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu “thùng rỗng kêu to”, bê bết nhưng muốn sỡ hữu nguồn vốn lớn và chạy theo phong trào phát hành trái phiếu thì nhà đầu tư phải lãnh đủ.

Theo Công ty Chứng khoán MBS, khoảng 6 tháng đầu năm 2019, có 61.037 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, hạ tầng phát hành 16.200 tỉ đồng trái phiếu. Còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông kê cuối quý 2 vừa qua có gần 70.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành, trong đó 1/3 là từ các doanh nghiệp bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ “bội thực” việc doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO