Người tâm huyết với “thần dược” tỏi đen

Bài và ảnh: Hoàng Anh| 04/03/2021 09:43

(TN&MT) - Chị Hoàng Thị Loan (thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã đầu tư mô hình sản xuất tỏi đen bằng công nghệ cao. Cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh toàn thực phẩm, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu thiên nhiên.

Từ xa xưa, tỏi được biết đến như một loại dược liệu quý với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhược điểm của tỏi là vị cay nồng, mùi khó chịu do các hợp chất sulfur gây ra. Để khắc phục nhược điểm này, Chị Loan đã áp dụng mô hình công nghệ hiện đại từ Nhật Bản lên men tỏi tươi để tạo ra tỏi đen. Chị nhớ lại: “5 năm trước, tôi được một người họ hàng tặng cho hơn 1 kg tỏi đen làm quà. Qua sử dụng trong gia đình, nhận thấy tỏi đen giúp cải thiện sức khỏe rất tốt, đặc biệt đối với người già có tiền sử về huyết áp, tiểu đường. Từ đó, tôi quyết định sẽ tự sản xuất tỏi đen, vừa để sử dụng trong gia đình, vừa để bán cho những ai có nhu cầu”.

 

Ban đầu, tỏi đen được chị Loan thực hiện theo quy trình lên men tỏi trong nồi cơm điện ủ bằng bia từ 12 - 15 ngày. Tưởng chừng như đơn giản, song chị đã vấp phải nhiều khó khăn từ nguồn nguyên liệu, cho đến những yếu tố khác đòi hỏi kinh nghiệm. “Quá trình sản xuất phải điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp, nếu không tỏi tươi sẽ không thành tỏi đen, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đã không ít lần sản phẩm chất lượng kém, không tiêu thụ được và phải bỏ đi”, Chị Loan cho biết.

Sau nhiều lần thất bại, không nản chí, chị tiếp tục kiên trì với định hướng của mình bằng việc trau dồi kinh nghiệm, học hỏi tại nhiều cơ sở sản xuất tỏi đen theo mô hình Nhật Bản trên khắp cả nước. Đầu năm 2019, chị Loan đã mạnh dạnh đầu tư 4 máy lên men và sấy dẻo với số vốn hơn 1 tỷ đồng. Được biết, loại máy này công suất rất lớn, có thể ủ từ 100 đến 300 kg/1 lần ủ theo công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản. Về quy trình sản xuất, chị Loan giới thiệu: “Đây là loại tỏi 1 nhánh được tôi chọn lựa kỹ càng, nhập về từ Sơn La. Tỏi được mua về phải trải qua nhiều công đoạn sàng lọc, chọn lựa, tránh những củ khô, mốc, sâu bệnh, sau đó rửa sạch, để khô. Toàn bộ các khay tỏi được đưa vào máy ủ lên men từ 30 - 35 ngày. Đó là thời gian đẩy mùi hăng và cay ra khỏi tỏi, những vi khuẩn có trong tỏi trắng cũng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Kết thúc quá trình lên men, tỏi được đưa vào máy sấy từ 10 - 12 ngày”.

Tỏi đen có hàm lượng hoạt chất cao hơn tỏi tươi từ 4 - 5 lần

Mô hình sản xuất tỏi đen bằng công nghệ cao của chị Hoàng Thị Loan tuân thủ nghiêm ngặt theo 3 yếu tố đặc biệt quan trọng là: Nhiệt độ, độ ẩm, áp suất. Sau khoảng thời gian 45 ngày, những nhánh tỏi tươi màu trắng dần chuyển sang màu đen. Lúc này, mùi vị của tỏi đã thay đổi, tỏi đen mềm nhuận, có vị ngọt thanh, không có mùi hăng cay của tỏi tươi, mùi vị chua nhẹ giống như ô mai hoa quả. Không những vậy, tỏi đen có hàm lượng các nhóm hoạt chất cao gấp 4 - 5 lần so với tỏi thường, có tác dụng bảo vệ gan, chống lão hóa, phòng chống bệnh tim mạch, phòng ngừa ung thư, tăng cường sức đề kháng. Quá trình sản xuất tỏi đen không có chất bảo quản, chất phụ gia, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho người sử dụng.

Có thể thấy, mô hình công nghệ của chị Hoàng Thị Loan đã “phù phép” những củ tỏi bình thường trở thành “thần dược” tốt cho sức khỏe, có giá trị kinh tế cao. Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Loan cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, đồng thời liên kết với bà con nông dân địa phương để trồng tỏi, vừa đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, vừa góp phần tạo thêm thu nhập cho bà con.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tâm huyết với “thần dược” tỏi đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO