Xã hội

Chúng tôi đến với Trường Sa thân yêu

Doãn Xuân - Phạm Khải 06/06/2024 - 08:57

Chúng tôi – những nhà quản lý, lực lượng vũ trang, giáo viên, người dân tộc thiểu số vùng cao… cùng nhau đi chung Đoàn công tác số 23, trên con tàu KN390 ra thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa từ ngày 21 – 27/5/2024. Chuyến đi đã để lại cho mỗi người một trải nghiệm vô cùng đặc biệt, không thể tả hay nói hết thành lời. Báo Tài nguyên và Môi trường xin trân trọng gửi tới độc giả những cảm xúc thiêng liêng và đầy tự hào của mỗi người từ chuyến đi Trường Sa ấy.

anh-bia-1.png

Chúng tôi – những nhà quản lý, lực lượng vũ trang, giáo viên, người dân tộc thiểu số vùng cao… cùng nhau đi chung Đoàn công tác số 23, trên con tàu KN390 ra thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa từ ngày 21 – 27/5/2024. Chuyến đi đã để lại cho mỗi người một trải nghiệm vô cùng đặc biệt, không thể tả hay nói hết thành lời. Báo Tài nguyên và Môi trường xin trân trọng gửi tới độc giả những cảm xúc thiêng liêng và đầy tự hào của mỗi người từ chuyến đi Trường Sa ấy.

title-anh-minh.jpg
1-ong-le-quoc-minh-tbt-bao-nhan-dan.jpg

Nhưng khi đặt chân lên tàu KN390 thì mọi lo lắng trong tôi đều tan biến, bởi thời tiết quá thuận lợi, biển êm. Chúng tôi ngủ trong phòng thấy rất dễ chịu, không ai say sóng, chỉ biêng biêng nhẹ vì chưa quen tàu.

Mặc dù chuyến hải trình lần này biển không động, sóng không lớn so với những đợt trước đây nhưng phần nào tôi có thể mường tượng được sự thiếu thốn, khó khăn, sự kiên cường, kiên định của quân và dân trên các điểm đảo. Tận mắt chứng kiến, có những điểm đảo chỉ cần nhìn ra cửa là thấy biển, tôi cảm thấy cuộc sống ở đây vô cùng khó khăn và chông chênh. Qua đó, chúng tôi càng thấu hiểu sự kiên định, vững vàng của các chiến sĩ Hải quân và đặc biệt chúng tôi thấy sự lạc quan qua nụ cười của các chiến sĩ trong thời gian ít ỏi khi giao lưu văn nghệ với Đoàn công tác.

Điều mà khiến tôi vô cùng ấn tượng, đó là dù đã dự rất nhiều buổi lễ chào cờ và hát Quốc ca nhưng lễ chào cờ tại Trường Sa lớn thực sự là một trải nghiệm đặc biệt. Qua đây tôi lại càng thấm thía hơn lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Khi nghe các chiến sỹ đọc 10 lời thề của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ rằng không chỉ là chiến sĩ đâu mà tất cả những người dân chúng ta, đặc biệt trong Đoàn công tác số 23 này xin thề là sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Qua chuyến công tác lần này, tôi hy vọng mỗi người trong chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quan về biển đảo quê hương, thấy tự hào, hãnh diện vô cùng, đồng thời chia sẻ và dành cho chiến sĩ, đồng bào ta ở ngoài hải đảo tình cảm trân trọng và thiêng liêng nhất. Chính họ mới là người hi sinh hạnh phúc của riêng mình để đổi lấy sự bình yên, hòa bình, trọn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc.

Tôi tin chắc rằng, sau mỗi chuyến đi, các nhà báo, phóng viên, cơ quan thông tấn báo chí sẽ chủ động, tìm tòi, phát hiện ra nhiều điều mới, vấn đề mới, phản ánh trung thực, khách quan về tình hình Biển Đông, về cuộc sống thường nhật của quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Qua đó làm dậy lên tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc mà cha ông ta đã hun đúc hàng ngàn năm và góp phần xây dựng đất nước Việt Nam lớn mạnh, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu.

thu-truong-tran-quy-kien-ten(1).png
2-tt-tran-quy-kien.jpg

Tôi lần đầu ra quần đảo Trường Sa, tận đáy lòng tôi rất cảm kích sự gian khổ, sự hi sinh, cống hiến to lớn của cán bộ chiến sĩ và người dân sinh sống trên đảo. Phía sau các đồng chí là đất liền, là cả hơn 100 triệu đồng bào luôn luôn đứng sau các đồng chí, chúng tôi tin tưởng tuyệt đối và gửi gắm sự bình yên, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc tới các đồng chí.

Không chỉ tới thăm các đảo nổi, Đoàn công tác còn được đến thăm, động viên, tặng quà các chiến sĩ ở đảo chìm, nhà giàn: Sinh Tồn Đông, Len Đao, đá Đông A, đá Tây B và nhà giàn DKI/12 – Tư Chính, chúng tôi thật sự choáng ngợp với vẻ đẹp và sự uy nguy, kiêu hãnh giữa trùng khơi biển biếc. Tuy đời sống cán bộ chiến sĩ hiện nay đã được cải thiện nhiều so với trước đây nhưng về mặt bằng chung cán bộ chiến sĩ vẫn còn thiếu thốn, khó khăn rất nhiều. Sự khó khăn, thiếu thốn ấy không thể khuất phục được ý chí kiên định, lòng quả cảm, tinh thần yêu nước của cán bộ chiến sĩ trên đảo.

Qua chuyến đi, tôi thực sự bất ngờ về công tác bảo vệ môi trường trên các đảo, quân và dân phân loại rác rất bài bản, thi thoảng lại gặp thùng rác được ghi: Ngôi nhà xanh bảo vệ môi trường, ngôi nhà được chiến sĩ ngăn làm 2 ngăn, một bên rác vô cơ, một bên là rác hữu cơ. Không chỉ thế, môi trường trên đảo rất sạch – đẹp, một số đảo không khác khu rừng xanh thu nhỏ, như: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông và Trường Sa lớn. Ngoài ra, các chiến sĩ còn trồng được rau xanh trong nhà lưới, đặc biệt trên nhà giàn cũng trồng được rau xanh, quả thật đó là bất ngờ lớn đôi với tôi. Ngoài ra, quân và dân trên các điểm đảo còn nuôi gà, vịt, lợn… tất cả tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt không khác mấy so với trong đất liền.

anh-111.jpg
Các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn Đông giới thiệu thành quả rau xanh trồng trong nhà lưới phát triển tươi tốt

Chuyến đi công tác Trường Sa lần này, ngoài việc thăm, động viên và khích lệ tinh thần chiến sĩ và người dân trên các điểm đảo, tôi còn đại diện cho Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đến thăm, kiểm tra và động viên cán bộ đang công tác tại 2 Trạm Khí tượng Hải văn: Song Tử Tây và Trường Sa.

Hằng ngày, không quản nắng mưa, giông bão, họ vẫn lặng thầm làm nhiệm vụ “đo mưa, đếm gió” để đưa những thông tin về thời tiết sớm nhất vào đất liền, phục vụ quân và dân trên đảo, cũng như ngư dân đánh bắt thủy sản ngoài khơi. Tôi hy vọng, các đồng chí tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời hoàn thành hai vai vừa là cán bộ kỹ thuật của Ngành vừa là chiến sĩ sẵn sàng tham gia bảo vệ biển đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nếu có dịp quay lại đây trong thời gian tới, tôi và Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường hy vọng sẽ được tiếp đón tại một cơ ngơi khang trang hiện đại, tương xứng vị trí vai trò và sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực này.

dai-ta-nguyen-dinh-cuong-uvbtv-chi-huy-truong-bo-chqs-tinh-phu-tho.png

Tôi ra quần đảo Trường Sa nhiều rồi, vì 15 năm về trước tôi thuộc biên chế trên đảo. Tôi học Trường sỹ quan Lục quân 1 và ra trường năm 1996, sau đó nhận nhiệm vụ tại Quân chủng Hải quân và được cử ra đảo làm phân đội trưởng trên đảo An Bang 3 năm. Sau đó là một số đảo khác trước khi nhận nhiệm vụ chỉ huy 2 cụm tại đảo Song Tử Tây. Năm 2004 – 2005 làm Cụm phó Cụm chiến đấu 3 và 2005 – 2008 làm Cụm trưởng Cụm chiến đấu 1. 12 năm tôi làm nhiệm vụ ở Hải quân, trong đó 11 năm ở quần đảo Trường Sa.

15 năm trở lại đơn vị cũ, tâm trạng thật khó tả. Tôi là người con đất tổ Vua Hùng, từng ra biển đảo công tác, nay quay lại với biển, với đảo. Cảm xúc nhất và thiêng liêng nhất là quay lại đảo Song Tử Tây, nơi mà tôi đã trải qua 2 cương vị: Cụm phó Cụm chiến đấu 3 và Cụm trưởng Cụm chiến đấu 1. Khi tàu cập đến mép xanh của đảo trong tôi có gì đó dâng trào, thôi thúc tôi bước lên đảo thật nhanh.

Ngày trở lại, đảo được mở rộng hơn, xây dựng khang trang và rộng rãi hơn, cây xanh nhiều, cơ sở phục vụ chiến sĩ khang trang, đảo ngày càng vững chắc về toàn diện.

Dù thời tiết khắc nghiệt, da sạm đen nhưng ánh mắt của các chiến sĩ rất hiền hòa, tình cảm, nhiều chiến sĩ khi trò chuyện với Đoàn công tác họ rất xúc động, có đồng chí nước mắt rơi khi nghe câu chuyện tôi từng gắn bó trên đảo. Chúng tôi như hòa làm một.

Hôm nay, tôi quay lại Trường Sa, tận mắt chứng kiến sự đổi thay lớn từ đảo chìm cho đến đảo nổi và nhà giàn. Đó là sự thay đổi toàn diện về bộ mặt và phòng thủ của đảo, con người thì ngày chính quy hơn, điều kiện ăn ở của cán bộ chiến sĩ, người dân được nâng lên. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội, nhờ đó cán bộ chiến sĩ yên tâm vững chắc tay súng bảo vệ biên cương biển đảo của Tổ quốc, cả nước vì Trường Sa và Trường Sa vì cả nước.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

4-ong-vu-minh-ly.jpg

Đây là lần thứ 2 sau 11 năm tôi quay lại quần đảo Trường Sa, tôi nhận thấy sự thay đổi rất lớn ở các đảo, đặc biệt là đảo Trường Sa lớn. Không chỉ thế, sự chuyên nghiệp của các thủy thủ trên tàu KN390 và không gian sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng tốt hơn trước rất nhiều.

Tôi là người làm trong lĩnh vực hoạt động môi trường, tôi rất ấn tượng với cảnh quan của các đảo, cây xanh cũng phát triển tươi tốt hơn, nhiều hơn và đặc biệt việc phân loại rác thải các chiến sĩ thực hiện rất tốt. Ở trên đảo, việc phân loại rác thải rất quan trọng, nếu làm tốt và đồng bộ thì việc xử lý và chuyển vào đất liền tái chế thuận lợi hơn.

Ngay ở trên tàu KN390 chúng tôi được biết việc quản lý chất thải, rác thải rất hiện đại, toàn bộ vỏ chai nhựa, kim loại khác được phân loại và ép thành tấm ngay trên tàu, khi về đất liền thì chuyển cho đơn vị chuyên môn xử lý để tái chế. Còn rác thải hữu cơ được xay nghiền và làm thức ăn cho cá, tức là khi thải xuống biển thì không ảnh hưởng đến môi trường mà chỉ đơn thuần là làm thức ăn cho cá và các sinh vật biển, đây là việc làm gây ấn tượng rất mạnh với tôi.

Qua chuyến đi này, tôi nhận thấy được sự trẻ trung, chuyên nghiệp của chiến sĩ và người dân trên đảo, lòng nhiệt huyết to lớn trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi có vinh dự được tiếp xúc với một vài hộ dân ở đảo Trường Sa lớn, sư thầy trụ trì chùa Trường Sa, khi nói chuyện thì biết được tâm tư, tình cảm của họ rất vững vàng và quyết tâm bám biển, bám đảo. Sư thầy Thích Nhuận Đạt cho biết, thầy đã ở trên đảo 13 năm, như vậy có thể thấy được tình cảm và sự yêu nước của sư thầy và người dân trên đảo lớn tới nhường nào.

Tháng 8/2023, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Câu Lạc bộ tuổi trẻ vì biển đảo quê hương và Lữ đoàn 146 của Hải quân Việt Nam, triển khai chương trình “Trường Sa Xanh”. Ngày 1/8/2023, Trung tâm đã bàn giao 10.000 cây xanh cho Hải quân Việt Nam, trong đó có 5 nghìn cây phi lao, 2 nghìn cây dừa nước, 2 nghìn cây hoa giấy và 1 nghìn cây bàng. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục cùng với các đơn vị của Bộ, đặc biệt là Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh tuyên truyền để có thể vận động nhiều nguồn lực hơn nữa từ xã hội nhằm chung tay đẩy mạnh chương trình “Trường Sa Xanh”.

Hiện nay, nhu cầu về cây xanh của các đảo là rất lớn, đây là hành động thiết thực hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động, tôi nghĩ rằng Trường Sa sẽ càng xanh - sạch - đẹp hơn nữa thông qua việc chúng tôi tiếp tục trồng cây cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, tổ chức tốt việc thu gom và phân loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa trên các điểm đảo hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Duyên, giảng viên Trường Đại học Thành Đông

anh-chi-duyen.png

Đây là lần thứ 7 tôi ra với Trường Sa, mỗi lần đi là một cảm nhận khác nhau, mỗi điểm đảo, nhà giàn cũng khác nhau, ví dụ ở đảo chìm hay nhà giàn, giữa đại dương bao la chỉ có một, hai ngôi nhà mọc lên, cảm giác rất chông chênh, lúc đó mình lại không cầm được nước mắt vì thấy thương và thấy tự hào về các chiến sĩ, vì sao ư? Vì họ đã gác lại hết mọi chuyện hạnh phúc cá nhân để ra đảo, ra nhà giàn làm nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng. Do đó, mình xác định ra đảo không phải là người dân hay đại biểu bình thường, mà là chiến sĩ Trường Sa thực sự.

Mặc dù mỗi lần ra đảo, nhà giàn chúng tôi đều mang theo nhiều món quà, tuy nhỏ nhưng đó là tình cảm của cá nhân mình, của bạn bè và người thân gửi gắm đến quân và dân trên đảo. Chủ yếu là mang tính động viên và sự tri ân với các chiến sĩ ngoài đảo tiền tiêu của Tổ quốc, để thấy rằng không chỉ Đảng và Nhà nước quan tâm đến các chiến sĩ mà còn rất nhiều tổ chức, cá nhân luôn dành tình cảm đặc biêt cho các chiến sĩ. Các anh bảo vệ biên giới trên đất liền đã khó khăn vất vả thì ngoài trùng khơi biển biếc, đại dương bao la, sâu thẳm còn khó khăn, khắc nghiệt gấp ngàn lần.

Ngoài ra, mỗi lần ra thăm điểm đảo có dân sinh sống, mình đều đến thăm và động viên các trẻ em trên đảo, tâm sự với những người phụ nữ sinh sống trên đảo. Mỗi lần ra, các em ấy lại bảo: Chị lại ra với chúng em à? Nói thật khi nghe câu hỏi đó mình không sao kiềm được nước mắt, thấy các em ấy gần gũi không khác gì chị em ruột thịt lâu ngày gặp nhau vậy. Hay khi trò chuyện với các em học sinh trên đảo, nhiều người cứ tưởng nhầm mình là giáo viên dạy trên đảo, vì thấy mình tiếp xúc, trò chuyện với các em thân mật quá, những lúc như vậy mình thấy rất hạnh phúc nhưng cuộc gặp nào rồi cũng phải chia ly, mỗi một lần như thế lại lấy đi rất nhiều tình cảm, nước mắt của người ở lại đảo và người ra về đất liền.

Mình ra quần đảo Trường Sa nhiều rồi, mỗi lần đi là một trải nghiệm rất riêng, nhưng mình nhớ nhất đợt gần tết năm 2022 khi ra thăm Trường Sa, trước khi lên nhà giàn 1 giờ biển lặng vô cùng, không có sóng, trợt trời có cơn giông và sóng to, tiếp cận lên nhà giàn khó khăn vô cùng, nếu không có kinh nghiệm đi biển, không có tình yêu với chiến sĩ thì quả thật mình đã đầu hàng. Mình sẽ tiếp tục đi ra Trường Sa, ra với các chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Mình cũng rất tự hào và cảm ơn các đơn vị Hải quân đã cho mình đóng góp vào chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.

Cá nhân mình nhận thấy cần cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với tình cảm của các chiến sĩ trên các đảo và nhà giàn. Mình rất cảm phục và yêu mến người chiến sĩ, giữa mênh mông biển trời, đaị dương sâu thẳm rất nhiều hiểm nguy, khó khăn mà các đồng chí vẫn vượt qua. Vậy há chi chúng ta, người dân Việt Nam, máu đỏ da vàng lại không đoàn kết, trên dưới một lòng hướng về biển đảo quê hương, chung tay, chung sức, chung lòng xây dựng đất nước ta ngày một giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

_mg_6545.jpg
Cán bộ chiến sĩ rất vui mừng khi nhận được ấn phẩm Báo Tài nguyên và Môi trường mà phóng viên đem từ đất liền ra đảo
em-nghiep.png

Đến với huyện đảo Trường Sa, tôi được khám phá, được sống với những cảm xúc đặc biệt. Đó là tình yêu quê hương đất nước, là Tổ quốc thiêng liêng. Bản thân tôi cảm nhận rõ hơn sự anh dũng, kiên cường và sự hi sinh thầm lặng của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.

Trải qua chuyến công tác, tôi càng thêm hiểu hơn đời sống trên đảo. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các chiến sĩ và người dân trên đảo đã tiếp đón đoàn rất chu đáo, tình cảm. Những cuộc gặp ngắn nhưng để lại nhiều tình cảm xúc động. Tất cả đều gần gũi, cởi mở, chia sẻ về nhiệm vụ và cuộc sống ở đảo, giao lưu ca hát cùng nhau.

Trong chuyến công tác lần này, đoàn văn công của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang chúng tôi còn gửi tặng các đảo trên huyện đảo Trường Sa đặc sản của mảnh đất Tuyên Quang, đó là Cây đàn tính và Chè San Tuyết với mong muốn mang văn hoá của đồng bào dân tộc miền núi đến với biển đảo quê hương.

Là một đại biểu trẻ tuổi nhất trong đoàn công tác lần này, tôi cảm thấy rất khâm phúc các chiến sĩ. Các chiến sĩ tuổi còn rất trẻ nhưng đã hy sinh những niềm vui riêng, hạnh phúc cá nhân để vì niềm vui lớn của đất nước, vì sự bình yên bình, hoà bình của dân tộc.

Sau chuyến hành trình lần này, đại diện cho những người trẻ, bản thân tôi sẽ tích cực tuyên truyền tới các bạn về biển đảo, có những hành động thiết thực, hun đúc thêm trong mình tình yêu biển đảo, quê hương đất nước, chung tay giữ gìn và bảo vệ biển đảo tươi đẹp và thiêng liêng của Tổ quốc.

anh-bia-2-cuoi-cung.png
tac-gia(1).png

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chúng tôi đến với Trường Sa thân yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO