Người đưa kỹ thuật nút mạch về Việt Nam, cứu sống hàng ngàn bệnh nhân

01/02/2017 00:00

Nếu như trước đây những bệnh nhân bị các bệnh lý về mạch máu do chấn thương, va đập hay do đột quỵ sẽ phải phẫu thuật nguy hiểm thì giờ đây, nhờ kỹ thuật nút...

Nếu như trước đây những bệnh nhân bị các bệnh lý về mạch máu do chấn thương, va đập hay do đột quỵ sẽ phải phẫu thuật nguy hiểm thì giờ đây, nhờ kỹ thuật nút mạch, họ sẽ được cứu sống với tỉ lệ cao hơn.
 
GS Phạm Minh Thông chia sẻ về các kỹ thuật điện quang can thiệp
GS Phạm Minh Thông chia sẻ về các kỹ thuật điện quang can thiệp
Điện quang can thiệp thay vì phẫu thuật  
 
Năm 2016, Bệnh viện Bạch Mai có 3 công trình được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là các công trình y học của GS.TS Phạm Minh Thông, GS.TS Mai Trọng Khoa; GS TS Nguyễn Gia Bình.
 
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, đây là những công trình về y học đã đạt tới những công nghệ tân tiến nhất của thế giới hiện nay.
 
Trong đó công trình nghiên cứu của GS.TS Phạm Minh Thông – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai với ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp đã giúp hàng nghìn bệnh nhân từ cõi chết trở về. Công trình có tên Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp.
 
Công trình của Giáo sư Thông đã được triển khai từ năm 2000 và đến nay nó đã giúp hàng nghìn bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân bị tai nạn giao thông, được điều trị không cần phẫu thuật thay vì phải mổ xẻ, nhiều tai biến như trước đây.
 
Theo Giáo sư Thông, trước kia chưa có điện quang can thiệp, phải phẫu thuật thông động mạch cảnh xoang. Đặc biệt bệnh nhân bị tai nạn giao thông, nếu động mạch bị vỡ khi chấn thương sọ não, lúc đó động mạch cảnh nằm trong xoang hang vỡ, làm lồi mắt, ù tai, bắt buộc phải điều trị, nếu không sẽ mù mắt hoặc tử vong.
 
Lúc đó, ở nước ngoài đã điều trị bằng nút mạch nhưng Việt Nam vẫn mổ theo kỹ thuật đơn giản, với tỉ lệ sống chết 50 - 50.
 
Ưu việt của kỹ thuật nút mạch là ống rất nhỏ, đưa các vật liệu vào nút phình lại, bệnh nhân hồi phục rất nhanh. Những vị trí khó, không thể phẫu thuật vẫn nút được, nhờ đó bệnh nhân có cơ hội được cứu sống.
 
Giáo sư Thông cho biết, từ năm 1990, trên thế giới đã có kỹ thuật nút mạch. Ở Pháp, thông động mạch cảnh xoang hang, phình mạch não cũng được can thiệp nút mạch là chủ yếu. Chính vì vậy, GS Thông đã mạnh dạn sang Pháp học với ý nghĩ phải đưa nó về bằng được.
 
Ca đầu tiên tiến hành điều trị thông động mạch cảnh xoang hang vào năm 1999, trước khi can thiệp phẫu thuật, nhưng đã thất bại. Các bác sĩ phải mời chuyên gia từ nước ngoài sang triển khai kỹ thuật thông động mạch xoang hang từ năm 1999 đến 2001.
 
GS Thông tâm sự: "Mặc dù đã học ở nước ngoài mấy năm nhưng khi triển khai còn bỡ ngỡ, chúng tôi nghĩ rằng mình cần mời chuyên gia đến "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn trực tiếp làm. GS Thông đã mời giáo sư người Pháp Deramond ở ĐH Amiens sang hỗ trợ. 
 
Sang đến năm 2002, các bác sĩ Việt Nam đã có báo cáo đầu tiên về nút mạch. Như vậy, mặc dù kỹ thuật này đi sau thế giới cả chục năm nhưng bằng nỗ lực của các bác sĩ, đây vẫn là kỹ thuật tiên tiến bậc nhất.
 
Từ đó đến nay, kỹ thuật này được triển khai rầm rộ ở Bệnh viện Bạch Mai. Năm 2004 được triển khai trong Sài Gòn.
 
Bệnh nhân được hưởng lợi từ kỹ thuật tiên tiến
 
Nhờ có kỹ thuật này mà mỗi năm, riêng Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm bệnh nhân được điều trị thông động mạch cảnh xoang hang thành công; khoảng 200 bệnh nhân phình mạch não được điều trị thành công, vài trăm bệnh nhân đột quỵ não được chẩn đoán kịp thời và hàng trăm bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết và lấy huyết khối.
 
Các bệnh viện khác như Bệnh viện 108, 103, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM, Bệnh viện 115, Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng... đã điều trị thành công rất nhiều bệnh nhân.
 
Hiện nay, Giáo sư Thông cho biết, ông và các đồng nghiệp đang chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch não cho bệnh viện tuyến tỉnh. Kế hoạch chuyển giao này hướng về bệnh viện tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới...
 
Ngoài chuyển giao các kỹ thuật can thiệp mạch não, Bệnh viện Bạch Mai áp dụng kỹ thuật này can thiệp điều trị nhiều bệnh lý khác qua đường mạch máu hoặc trực tiếp qua da như điều trị ung thư gan bằng đốt bằng sóng RF, điều trị ung thư gan bằng nút mạch bằng hạt hóa chất, hạt phóng xạ.
 
Và đặc biệt, bệnh viện đang điều trị phì đại tiền liệt tuyến bằng nút mạch. Đây là kỹ thuật mới đã triển khai thành công, người bệnh sau điều trị có chất lượng cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với phẫu thuật.
 
Nói đến kỹ thuật nút mạch hoá chất trong điều trị ung thư gan, theo Giáo sư Thông, đây thực sự là một kỹ thuật tốt giúp bệnh nhân ung thư gan có thể kéo dài thêm cơ hội sống. Kỹ thuật này đã được chính tay GS Thông thực hiện điều trị cho PGS Văn Như Cương vào cuối năm 2014 khi PGS Cương phát hiện bị ung thư gan.
 
Theo infonet
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đưa kỹ thuật nút mạch về Việt Nam, cứu sống hàng ngàn bệnh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO