Người dân có quyền tố giác hành vi gây ô nhiễm môi trường

18/12/2018 15:27

(TN&MT) – Bạn đọc có địa chỉ email: hienluongnguyen1789@gmail.com hỏi: Gia đình tôi ở gần nhà máy sản xuất cao su nên thường xuyên phải hít khói, khí độc hại từ nhà máy xả ra môi trường, không những thế, nguồn nước xung quanh nhà máy cũng đang bị ô nhiễm. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đến đâu thì người dân như tôi không thể xác định bằng mắt thường được. Xin hỏi quý báo, ở Việt Nam hiện nay nhà nước đang sử dụng chỉ số nào để đánh giá hiện trạng môi trường? Khi thấy môi trường bị ô nhiễm như vậy thì người dân như tôi có thể làm gì để phản ánh tình trạng trên?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Đánh giá hiện trạng môi trường

Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng các chỉ số số đánh giá chất lượng môi trường như sau:

Thứ nhất là chỉ số chất lượng nước WQI -  Water Quality Index: Là một chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc chất lượng nước, dùng để mô tả định lượng về chất lượng nước và khả năng sử dụng của nguồn nước đó; được biểu diễn qua một thang điểm. Phương pháp tính toán chỉ số chất lượng nước được Tổng cục môi trường ban hành tại Quyết định số 879/QĐ-TCMT ngày 01/ 7/2011.

Thứ hai là chỉ số chất lượng không khí AQI -  Air Quality Index: Là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được biểu diễn qua một thang điểm. Phương pháp tính toán chỉ số chất lượng nước được Tổng cục môi trường ban hành tại Quyết định số 878/QĐ-TCMT ngày 01/7/2011.

khoi
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tố giác hành vi gây ô nhiễm môi trường

Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã xác định nguyên tắc: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Đồng thời cũng quy định nếu tập thể hay cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường thì phải có trách nhiệm khắc phục và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Cấm việc che giấu hành vi hủy hoại môi trường. Chính vì thế, khi phát hiện một chủ thể có hành vi gây ô nhiễm môi trường, công dân có nghĩa vụ tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, thực hiện quyền tố cáo được quy định tại Khoản 2 Điều 162 Luật BVMT.

Mới đây nhất, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố đường dây nóng cấp trung ương để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường từ các tổ chức, cá nhân thông qua số điện thoại 086.900.0660.

Theo đó, khi phát hiện hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường; các vụ việc ô nhiễm, suy thoái môi trường, người dân có thể gọi ngay vào số 086.900.0660, phản ánh thông tin, để Tổng cục Môi trường kịp thời kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Đường dây nóng của Tổng cục Môi trường sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ).

Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường sẽ được chuyển tới cơ quan chức năng của Tổng cục Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của địa phương để xác minh, xử lý, phản hồi trong thời gian sớm nhất…

Ngoài đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường cũng sẽ tổng hợp để công bố đường dây nóng của các địa phương để người dân có thể phản ánh những bức xúc về ô nhiễm môi trường đến các cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân có quyền tố giác hành vi gây ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO