Xã hội

Nghĩa Lộ (Yên Bái): Thách thức không nhỏ khi phải thoát nghèo bền vững

Thanh Ngà 28/08/2024 - 16:15

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có không ít những “hộ nghèo bền vững”, đó là những hộ nghèo có người già cả, cô đơn, ốm đau, bệnh nặng… Đây là thách thức không nhỏ trong việc xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Xung quanh vấn đề này PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Lương Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ.

00210.mts_snapshot_00.02.jpg
Ông Lương Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ.

PV: Thưa ông! Xin ông cho biết kết quả giảm nghèo của thị xã Nghĩa Lộ trong năm 2023 vừa qua! Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, thị xã đã có kế hoạch như thế nào?

Ông Lương Mạnh Hà: Trong năm 2023 vừa qua, thị xã Nghĩa Lộ đã giảm 3,69% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2022 (số hộ nghèo giảm là 683 hộ) đạt 103,9% kế hoạch tỉnh giao. Ngay từ đầu năm thị xã đã tham mưu cho Thị ủy ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024. Theo đó, tiếp tục phân công 48 cơ quan, đơn vị trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 277 hộ nghèo góp phần bổ sung, tăng cường nguồn lực giúp các hộ thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Mặt khác, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai đồng bộ thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ dịch vụ xã hội cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Thị xã huy động tối đa mọi nguồn lực gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo bền vững, chú trọng công tác trợ giúp đột xuất khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

z5770347176153_4d3e47698d91e798bc39bc3204b1d225.jpg
Nhiều hộ nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phát triển kinh tế.

Đặc biệt, triển khai lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

PV: Thưa ông! Trong quá trình triển khai giúp đỡ các hộ thoát nghèo thị xã Nghĩa Lộ đã gặp thuận lợi và khó khăn ra sao?

Ông Lương Mạnh Hà: Trước tiên có thể nói đến những thuận lợi, trong thời gian qua trên địa bàn thị xã đã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững công khai, minh bạch. Cùng với đó, phong trào chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau được các xã, phường hưởng ứng và triển khai thi đua thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% năm, đạt kế hoạch giao.

Hơn nữa, công tác giảm nghèo từ đầu năm đến nay luôn nhận được sự quan tâm và tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Cùng với đó, các sở, ngành, từng thành viên ban chỉ đạo và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, chủ trương, cơ chế và các giải pháp cho hộ nghèo, cận người nghèo.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được song công tác giảm nghèo trên địa bàn thị xã cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thuộc nhóm hộ "nghèo bền vững" như: Hộ nghèo có người già cả, cô đơn, ốm đau, bệnh nặng…Do vậy, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chủ yếu là nhóm chính sách hỗ trợ "con cá" mang tính chất cho không, bảo trợ suốt đời. Đây là thách thức không nhỏ trong việc xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

PV: Vậy để hoàn thành kế hoạch giảm nghèo trong năm 2024, thị xã có kế hoạch như thế nào? Thưa ông!

Ông Lương Mạnh Hà:

Năm 2024 thị xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2023 là 3,90% (giảm 724 hộ); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,90% (giảm 166 hộ). Trong thời gian tới, thị xã sẽ tập trung vào công tác thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo và hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư nghiệp năm 2024.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến cuối năm đào tạo 14.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 71,31% vào cuối năm 2024 và giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh 21.000 lao động. Đưa 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo cung cấp tín dụng ưu đãi theo quy định của Chính phủ cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống, hạn chế thấp nhất tái nghèo và phát sinh hộ nghèo. Phối hợp với phòng Tài chính thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện sinh hoạt bậc 1 cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội theo Quyết định 2941 của Bộ Công thương.

Đối với nhóm hộ thiếu hụt về nhà ở, công trình vệ sinh, phương tiện tiếp cận thông tin, thị xã đa dạng các nguồn lực, huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ để hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình vệ sinh, phương tiện tiếp cận thông tin cho các hộ.

Huy động các doanh nghiệp tiếp nhận lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo vào tham gia sản xuất. Người dân trong độ tuổi lao động, nhất là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ về địa phương tham gia ngày hội việc làm và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn ngắn hạn, tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình, kinh nghiệm hay trong và ngoài tỉnh, giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thành viên trong độ tuổi lao động nâng cao kiến thức để sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm, tạo thu nhập.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa Lộ (Yên Bái): Thách thức không nhỏ khi phải thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO