Nghị định số 155/2016/NĐ-CP - Bài 2: Sửa đổi theo hướng nào?

16/07/2019 09:54

(TN&MT) - Bộ TN&MT đã nêu rõ quan điểm sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2016/NĐ-CP phải bảo đảm phù hợp với thực tế và các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, kế thừa bố cục, nội dung các quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hiện hành còn phù hợp.

T6
Cần bổ sung các quy định về quản lý chất thải nguy hại. Ảnh: MH

Kế thừa cái cũ, sửa đổi phù hợp với thực tiễn

Để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, Bộ TN&MT đã đánh giá quá trình tổ chức thực hiện Nghị định, đồng thời, nghiên cứu các quy định của pháp luật, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan như: đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, xây dựng, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn… Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký Quyết định số 811/QĐ-BTNMT thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng. Bộ TN&MT có Công văn số 1377/BTNMT-TCMT gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh về việc góp ý sửa đổi Nghị định số 155/2019/NĐ-CP.

Quan điểm xây dựng Nghị định phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và các quy định pháp luật liên quan; phù hợp với thực tế, tính hợp lý, khoa học và tính khả thi. Đồng thời, kế thừa bố cục, nội dung các quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hiện hành còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội. Kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung những quy định tại Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định số 40/2019/NĐ-CP nhằm bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện của văn bản; đồng thời, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp. Khắc phục, xử lý những bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP theo ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương.

Các hành vi vi phạm phải được quy định cụ thể, chi tiết; mức xử phạt phù hợp, khả thi, bảo đảm tính răn đe, đáp ứng yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong tình hình mới.

Các điều khoản sẽ sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân mới đây, Tổng cục Môi trường cho biết, sau khi Bộ có Công văn số 1377/BTNMT-TCMT gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh về việc góp ý sửa đổi Nghị định số 155/2019/NĐ-CP. Đến nay, đã có 55/63 tỉnh/thành phố gửi ý kiến về Bộ để tổng hợp. Theo các góp ý này, tới đây, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh, hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; bổ sung, làm rõ đối tượng áp dụng của Nghị định, trong đó, quy định rõ tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bổ sung thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính: Xác định rõ các hành vi được xác định là đang thực hiện như không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…

Ngoài ra cần, sửa đổi, bổ sung Điều 4, trong đó, quy định thêm 2 biện pháp khắc phục hậu đó là buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và buộc lập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Sửa đổi, bổ sung Điều 6, trong đó, làm rõ hơn cách xác định mức phạt, bổ sung thêm trường hợp đối với mẫu nước thải hoặc bụi, khí thải có cả thông số môi trường nguy hại và các thông số thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật hoặc giá trị pH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật, chọn thông số tương ứng với hành vi vi phạm có khung phạt tiền cao nhất của mẫu nước thải hoặc bụi, khí thải để xử phạt; trường hợp có khung phạt bằng nhau, thông số nguy hại là thông số để xác định hành vi vi phạm…

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, phân rõ các nhóm hành vi vi phạm đối với cá nhân (tổ chức gấp 2 lần cá nhân). Cụ thể đối với các quy định xử phạt vi phạm hành chính về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường… bao gồm các điều từ 8 - 12 của Nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung các hành vi về việc lập, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó, bãi bỏ các quy định không còn hiệu lực; bổ sung quy định liên quan đến giám sát môi trường định kỳ; các quy định về không lắp đặt camera theo dõi hoặc hệ thống quan trắc nước thải hoặc khí thải không được thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.

Các quy định xử phạt về quản lý chất thải cũng có nhiều thay đổi, trong đó, thống nhất thay đổi thuật ngữ chất thải rắn thông thường thành rác thải sinh hoạt tại Điều 22; bỏ hình thức tịch thu tang vật; bổ sung các quy định về quản lý chất thải nguy hại; bổ sung các quy định trong hoạt động phá dỡ tàu biển, nhập khẩu phế liệu. Trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 100.000 kg trở nên; phạt từ 200 - 250 triệu đối với cá nhân (để phù hợp với Điểm g, Khoản 1, Điều 235, Luật Hình sự)… Bãi bỏ Điều 34 quy định về hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm do đã bai bỏ điều kiện kinh doanh tại Nghị định số 136/2018/NĐ-CP.

Đối với các biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt và biện pháp xử phạt bổ sung, xin ý kiến về việc đưa thêm một số biện pháp chưa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, như: cắt điện, cắt nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP - Bài 2: Sửa đổi theo hướng nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO