“Sống lại vàng son”
Trở lại lần này đúng dịp kỉ niệm 125 thành phố Đà Lạt, Phố Bên Đồi với chủ đề “Sống lại vàng son” đã mang đến những trải nghiệm thú vị về một Đà Lạt hoàng kim trong quá khứ và hình ảnh về một Đà Lạt mới mẻ của hiện tại: Đà Lạt với sức sống mới của tri thức, văn hóa, sáng tạo, yêu thương và Đà Lạt của vẻ đẹp phong cách sống thanh lịch.
Tổ hợp của chuỗi hoạt động lần này bao gồm các sự kiện: Khai mạc triển lãm “Sống lại vàng son”, âm nhạc, các phiên thảo luận chuyên môn, các workshop sáng tạo và talkshow chia sẻ… Điều đặc biệt thú vị là tất cả đều được diễn ra tại một không gian đậm chất lịch sử: nhà máy trà cổ. Đây là một nhà máy do người Pháp xây dựng năm 1927, tọa lạc tại trang trại Cầu Đất, cách Đà Lạt hơn 20km. Chương trình có sự góp mặt của hơn 120 tác phẩm của hơn 50 nghệ sĩ, chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Trong không gian này, mọi người cùng ngồi lại, lắng nghe, và cùng nhau ngắm nhìn những hình ảnh xưa-nay của Đà Lạt. Thú vị hơn cả là (chủ yếu) thông qua chất liệu màu nước, mọi người được ngắm nhìn một Đà Lạt quen thuộc với những ngôi biệt thự nằm trên những sườn đồi quanh co, e ấp dưới những tán thông reo, những hình ảnh mang biểu tượng của Đà Lạt một thời như nhà thờ con Gà… Chương trình sẽ kéo dài 3 tháng để nhiều người yêu quý Đà Lạt có thêm cơ hội để nhìn ngắm về một Đà Lạt vàng son.
Nói chuyện di sản ở không gian di sản
Cũng nằm trong chuỗi sự kiện Phố Bên Đồi, chương trình talk “Di sản kiến trúc và Phát triển đô thị bền vững” đã diễn ra với sự tham gia của TS Khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Thạc sĩ Kiến trúc Nguyễn Yến Phi cùng nhóm chuyên gia đến từ Pháp và Mỹ. Chương trình được diễn ra trong một không gian mang đậm tính chất lịch sử: nhà máy trà cổ và trong bối cảnh nhiều di sản của nhiều nơi trên cả nước, không chỉ ở Đà Lạt đang chưa được “ứng xử” đúng mức đã thu hút đông đảo người tham dự.
Thành phố là nơi tụ cư, nhưng “sống ở thành phố” mà chưa có ký ức đô thị thì chưa hẳn là một thị dân, theo ý nghĩa tinh thần. Chính ký ức làm cho đô thị trở nên thân thuộc, gần gũi, yêu thương hơn… Và, do di sản là “ký ức cộng đồng” nên bảo tồn di sản là gìn giữ và làm dày thêm ký ức, nối dài thêm lịch sử cộng đồng trong đó có lịch sử từng con người. Khi chúng ta phá hủy di sản là chính chúng ta đang xóa bỏ ký ức. Theo TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, “Ký ức thị dân là một tài sản văn hóa rất lớn. Nếu như thị dân không yêu thành phố nơi mình sống thì không có cách gì gìn giữ được yếu tố bản sắc”. Cũng theo Ts Hậu, khi mỗi cảnh quan, công trình mất đi là cộng đồng mất dần một phần ký ức, đô thị mất đi một phần lịch sử. Di sản ký ức giúp cho những người trẻ được tham dự vào lịch sử đô thị, được thấy đô thị là nơi mà họ thuộc về… Và tầm quan trọng của ký ức cộng đồng đặc biệt hơn ở các đô thị, nơi mà liên hệ và tính gắn kết của cộng đồng chưa sâu bền bằng ở nông thôn”.
Thế nhưng dường như hiện nay, yếu tố phát triển kinh tế đang “lấn át” sự sống của các di sản. Theo những chia sẻ của các chuyên gia tại chương trình, để nối dài đời sống cho các di sản thì chúng ta nên gắn di sản với cộng đồng, phi vật thể các di sản vật thể và theo TS Archie Pizzini thì chúng ta cần phải biết chữ “đủ” trong phát triển kinh tế.
Đô thị không còn trong ký ức thị dân thì đó là một đô thị “chết” về tinh thần dù đang phát triển về vật chất.