Theo đó, ngay khi có Công điện khẩn của UBND tỉnh Nghệ An về việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào tỉnh Nghệ An, các huyện, thành, thị đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn tăng cường các giải pháp phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Huyện Yên Thành là địa phương phát triển mạnh chăn nuôi lợn, hiện toàn huyện có hơn 100 nghìn con lợn. Trong đó có hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi lợn tập trung. Ngay sau khi có Công điện của tỉnh, UBND huyện đã có công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn huyện. Tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, Đài TT - TH huyện... để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi. Giám sát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ lợn, trung chuyển lợn, tổ chức phun hóa chất khử trùng sau mỗi phiên chợ...; thống kê tổng đàn lợn trên địa bàn huyện, khuyến cáo người chăn nuôi khai báo số lượng đàn lợn hiện có; tổ chức tiêm phòng các bệnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương vận động người dân sử dụng các giải pháp phòng bệnh ngay tại chuồng trại như phun hóa chất khử trùng, rắc vôi bột trên các lối ra vào chuồng trại...
Tại huyện Nghi Lộc hiện có hơn 41 nghìn con lợn. Trong đó có 4 trang trại lớn có quy mô từ 200 - 1.200 con; số còn lại chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Do dịch tả lợn châu Phi hiện nay chưa có vắc xin hay thuốc để phòng trị, khi lợn đã nhiễm bệnh tỷ lệ chết 100%, vì vậy, công tác phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã tham mưu UBND huyện thành lập các tổ chốt chặn tại các đầu mối giao thông để kiểm soát ngăn chặn vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn. Thực hiện tuyên truyền bà con nhân dân thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; Không giết mổ và tiêu thụ gia súc mắc bệnh.
Hiên, huyện Quỳnh Lưu có tổng đàn lợn hơn 45 ngàn con. Là vùng giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, để tăng cường công tác phòng dịch, địa phương đã chủ động mua 600 lít hóa chất khử trùng. Các xã cũng đã kịp thời thành lập ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của cấp trên về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Bình quân mỗi ngày, các xã tuyên truyền 2 - 3 lần trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn xóm để người dân hiểu biết về dịch tả lợn châu Phi để phòng ngừa.
Để chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong hơn nửa tháng qua TP. Vinh xây dựng kịch bản kế hoạch phòng chống ứng phó khẩn cấp gồm 2 tình huống: Phòng ngừa khi bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xâm nhiễm vào TP. Vinh và xử lý bệnh dịch tả lợn châu Phi khi phát hiện tại thành phố. Đồng thời tiến hành thành lập 1 chốt kiểm dịch và 2 tổ công tác lưu động liên ngành kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố. Đồng thời, triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp đối với dịch tả lợn châu Phi như: Huy động tổng lực cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống dịch khi dịch chưa xâm nhiễm và khi dịch xảy ra trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về diễn biến dịch, phòng ngừa và xử lý khi có dịch. Bên cạnh các tổ liên ngành của thành phố, các phường, xã thành lập các tổ công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn.
Trước đó, ngày 01/3/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y, Cục Quản lý thị trường, Phòng CSGT Nghệ An lập 2 điểm chốt/trạm kiểm dịch tạm thời. Hai điểm chốt chặn được Chi cục Chăn nuôi Thú y và Phòng CSGT Nghệ An lập trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn thuộc địa bàn xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Đàn điểm giáp ranh với xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) và Trạm kiểm dịch động vật bắc Nghệ An trên QL 1A qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, giáp ranh với huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Được biết, hai chốt/trạm khẩn cấp này có chức năng kiểm dịch, ngăn chặn các phương tiện chở động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi từ các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở tỉnh Thanh Hóa vào Nghệ An và từ đó di chuyển vào phía Nam. Hai trạm này sẽ hoạt động 24/24 cho đến khi hết dịch.
Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh; hiện chưa có vắc xin và thuốc đặc trị điều trị bệnh này.