Xã hội

Nghệ An: Người dân được hưởng lợi từ các dự án nước sinh hoạt

Đình Tiệp 31/07/2024 - 18:04

Trong thời gian qua, từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Nghệ An được hỗ trợ để xây dựng nhiều công trình nước sinh hoạt. Hiện, một số công trình đã hoàn thành và đưa vào sự dụng, đem lại nhiều lợi ích, niềm vui lớn cho bà con nhân dân vùng cao.

Những khó khăn về nước sinh hoạt

Trên thực tế, các chương trình, dự án nước sinh hoạt tại các huyện vùng cao tại tỉnh Nghệ An từ trước tới nay được nhà nước hết sức quan tâm. Vì thế, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, theo thời gian thì hầu hết các dự án đã và đang hư hỏng khá nhiều và đến nay rất ít công trình còn có khả năng vận hành, sử dụng.

Đơn cử như, Bản Đôm 1, xã Châu Phong là bản vùng sâu vùng xa của huyện Qùy Châu khó khăn nhất về nước sạch. Năm 2004, bản được xây dựng một công trình nước tự chảy có 8 bể chứa, phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 600 hộ gia đình. Niềm vui đến với người dân bản làng chưa được bao lâu thì toàn bộ đường ống dẫn và 8 bể chứa nước bị hư hỏng, không còn một giọt nuớc.

1(8).jpg
Theo thời gian, nhiều công trình nước sinh hoạt ở vùng cao bị hư hỏng không thể sử dụng.

Do thiếu nước sinh hoạt nhiều gia đình đã bàn bạc góp công, góp sức để xây dựng hệ thống nước sạch. Qua nhiều tháng xây bể chứa, đào đất lắp đường ống, nguồn nước sạch đầu tiên do nhóm gia đình ông Trương Văn Ninh đã đưa về tới bản. Dòng nước trong vắt được trẻ nhỏ và người lớn thỏa sức tắm giặt là thành quả lớn nhất của cả 6 hộ gia đình. Công trình nước sạch hoàn thành, các hộ dân trong nhóm lại đồng lòng giúp nhau hoàn thiện bể chứa đến tận từng nhà. Tuy nhiên, cùng với thời gian thì công trình cũng bị hư hỏng, xuống cấp. Người dân lại tiếp tục gặp khó về nước sinh hoạt.

Cách đó không xa, tại bản Đôm 2, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, trước đây cũng có khá nhiều dự án đầu tư xây dựng hệ thống đập và bể nước tự chảy hợp vệ sinh để phục vụ nhu cầu của hàng nghìn người dân nơi đây. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng thì đã bị hư hỏng, xuống cấp nên người dân thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ gia đình hàng ngày phải cử một thành viên trong gia đình mang nhiều can nhựa vào tận trong các khe suối cách hàng vài ki lô mét để lấy nước về sinh hoạt, rất vất vả.

5(1).jpg
Nước sinh hoạt trở thành khó khăn đối với nhiều khu vực vùng cao ở Nghệ An.

Anh Bùi Văn Hùng, ở bản Đôm 2, cho hay: Nguồn nước khe suối ở trên này thì không thiếu nhưng lại ở xa. Trước đây nhà nước có đầu tư xây dựng các công trình đập, bể nước để đưa nước về phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân. Tuy nhiên, các công trình bị hư hỏng do mưa lũ, phần nữa là nhiều người thiếu ý thức phá hỏng đường ống. Và cảnh “cha chung không ai khóc”, không ai bảo trì, sửa chữa nên dần dà các công trình bị bỏ hoang.

Người dân được hưởng lợi

Theo bà Lê Thị Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc huyện Quỳ Châu thông tin với Báo TN&MT rằng, mới đây, Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 huyện Quỳ Châu được hỗ trợ về nước sinh hoạt. Đến nay, huyện Quỳ Châu đã tiến hành xây dựng được 4 dự án.

3(2).jpg
Các huyện vùng cao ở Nghệ An được đầu tư các công trình nước sinh hoạt từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cụ thể là công trình Xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung bản Chiềng Nong, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Đây là dự án được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí xây lắp 3 tỷ đồng do UBND xã Châu Thuận làm chủ đầu tư, công trình này phục vụ cho nhu cầu nước sinh hoạt của 300 hộ dân thuộc bản Chiềng Nong, bản Chàng Piu, xã Châu Thuận. Đến nay, dự án nêu trên đang hoàn thiện các hạng mục để bàn giao đưa vào sử dụng.

Dự án Xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung Khu trung tâm xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng, do UBND xã Diên Lãm làm chủ đầu tư. Công trình nêu trên vừa mới hoàn thiện việc xây dựng và hiện đang làm các thủ tục bàn giao để đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của 97 hộ dân ở bản Chao, xã Diên Lãm.

2(5).jpg
Anh Sầm Văn Chung, ở bản Đôm 2, xã Châu Phong bên cạnh bể nước sinh hoạt mà dự án mới đầu tư tại địa phương này.

Riêng công trình xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung bản Chàng Piu, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu do UBND xã Châu Thuận làm chủ đầu tư hiện đang thực hiện bước lựa chọn nhà thầu xây lắp. Dự án này có tổng mức đầu tư 1 tỷ đồng với mục đích phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của 111 hộ dân thuộc bản Chiềng Nong, bản Chàng Piu, xã Châu Thuận.

Ngoài ra, công trình xây dựng nước sinh hoạt tập trung bản Đôm 1, Đôm 2, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu do UBND xã Châu Phong làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 2,8 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của 344 hộ dân thuộc 2 bản Đôm 1, bản Đôm 2 xã Châu Phong đã xây dựng xong và bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rất tốt.

Anh Sầm Văn Chung, ở bản Đôm 2, xã Châu Phong vui mừng, cho biết: “Công trình nước sinh hoạt do nhà nước vừa mới đầu tư tại 2 bản Đôm 1 và Đôm 2 đã mang lại niềm vui lớn cho bà con nhân dân, người dân chúng tôi được hưởng lợi và rất vui mừng không còn lo cảnh thiếu nước sinh hoạt như trước đây. Người dân chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước lắm”.

4.jpg
Người dân được hưởng lợi từ chương trình nước sạch được nhà nước đầu tư.

Còn theo ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương cũng chia sẻ rằng, Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 huyện Tương Dương cũng được hỗ trợ về nước sinh hoạt.

Theo đó, cả giai đoạn 2021-2025 huyện này đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung. Đến nay đang xây dựng 2 công trình ở xã Nga My và xã Lưu Kiền, còn 3 công trình chưa triển khai thực hiện. Hiện nay, công việc thi công công trình nước tập trung xã Nga My và xã Lưu Kiền đã đạt được 70% khối lượng thi công. Ngoài ra, huyện còn triển khai chương trình nước sinh hoạt phân tán được bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho 567 hộ (3 triệu đồng/hộ), đến nay đã hỗ trợ đường dây dẫn nước, xây bể và cấp tẹc cho các hộ được thụ hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Người dân được hưởng lợi từ các dự án nước sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO