Nghệ An - Hà Tĩnh: Mưa lớn kéo dài, thêm nguy cơ ngập úng ở đồng bằng, sạt lở đất ở miền núi
Do mưa lớn kéo dài những ngày qua nên tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang phải hứng chịu những nguy cơ của thiên tai. Nhất là hiện tượng ngập úng ở vùng đồng bằng, trũng thấp và nguy cơ sạt lở đất ở các địa phương vùng núi cao.
Nguy cơ ngập úng và sạt lở đất
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ 5h đến 11h ngày 20/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa vừa đến mưa rất to tại nhiều khu vực. Các điểm mưa lớn được ghi nhận gồm: Tân Kỳ 113,6 mm, Thanh Chương 104,8 mm, Quỳnh Lưu 70,8 mm.
Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp, khu đô thị và ven sông suối thuộc các huyện: Quỳnh Lưu, Đô Lương, Yên Thành, Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Diễn Châu, thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nam Đàn, Hưng Nguyên, thành phố Vinh (Hưng Đông, Nghi Kim, Nghi Liên), thị xã Hoàng Mai, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn.
Thời gian ngập lụt có thể kéo dài đến hết ngày 20/9 với độ sâu ngập lụt lớn nhất dự báo từ 0,1 m đến 0,5 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt được đưa ra ở cấp 1.
Tại miền núi, ở huyện Con Cuông, theo lãnh đạo UBND xã Lạng Khê, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, từ ngày 19-20/9, địa bàn xã đã có mưa lớn kéo dài, gây sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, khoảng 17h ngày 19/9, trên tuyến đường từ bản Chôm Lôm đi bản Yên Hòa (xã Lạng Khê), nhiều tảng đá lớn từ trên lèn đổ xuống, chắn ngang đường, làm gián đoạn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người dân.
Trước tình hình này, UBND xã Lạng Khê đã khuyến cáo người dân không lưu thông trên tuyến đường, đồng thời bố trí lực lượng canh gác, cấm người và phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn. Xã cũng đã báo cáo lên cấp trên để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cũng vào khoảng gần 17 giờ ngày 19/9, ông T.C.T. (SN 1974) và con trai T.C.D. (SN 2018) đi xe máy về nhà ở xã Bồng Khê. Khi đi đến eo Vực Bồng, quốc lộ 7A, đoạn qua xã Bồng Khê thì bất ngờ bị một cành cây lớn từ trên núi rơi xuống đè trúng người. Phát hiện sự việc, người đi đường đã nhanh chóng tri hô, hỗ trợ chặt cành cây, đưa 2 người thoát ra ngoài trong tình trạng bị xây xát nhẹ. Vụ việc khiến chiếc xe máy bị hư hỏng, giao thông bị ùn tắc.
Do mưa lớn cũng đã làm sạt lở đất trên địa bàn xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Trong sáng 20/9, Đồn Biên phòng Châu Khê đã phối hợp với địa phương di dời khẩn cấp 2 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất là ông Hoàng Văn Sơn và Kha Văn Cảnh, ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông.
Còn tại huyện Thanh Chương, sáng 20/9, cầu tràn qua sông Giăng vào xóm Sướn, xã Thanh Đức ngập sâu, nước chảy xiết. Ngay lập tức, chính quyền xã Thanh Đức đã cắt cử lực lượng chốt chặn, làm barie chắn hai đầu cầu, đồng thời, thông báo rộng rãi cho người dân không được đi qua cầu tràn vào thời điểm này.
Theo UBND xã Thanh Đức cho biết, trước tình hình trên, xã đã cử lực lượng quân sự địa phương bám chốt cầu tràn, túc trực để người dân không qua lại khi đang ngập. Cầu nối giữa khu dân cư xóm đi vào khu sản xuất, bình thường, lưu lượng người và phương tiện qua đây không nhiều, chỉ khoảng 100 lao động của lô cao su trong đó. Riêng con em học sinh của khu tập thể các lao động lô cao su được xã khuyến cáo gửi tại nhà người thân, không đưa đón về đợt này để đảm bảo an toàn. Hiện, xã này cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra các điểm xung yếu dễ xảy ra ngập úng, sạt lở trên địa bàn để có phương án ứng phó kịp thời.
Còn tại xã Thanh Mỹ, một số tuyến đường thấp trũng cũng đã có ngập cục bộ, cụ thể là khu vực các khu dân cư: Khe Trổ, khe Mọ, khe Gió, khe Lau. Mặc dù đường chưa ngập sâu nhưng nước chảy xiết, nếu người và phương tiện đi lại không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn. Sau đó, chính quyền xã cũng đã khuyến cáo, nhắc nhở người dân hạn chế đi lại những khu vực trên. Đồng thời, cắt cử lực lượng túc trực những điểm ngập úng đề phòng sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Tại xã Ngọc Lâm mưa không ngớt từ đêm qua đến nay, hiện nước ở các khe, suối lên nhanh và dâng cao. Cụ thể tại các điểm cầu tràn và cầu thấp đã có nước tràn qua gồm: Cầu trước cổng Đồn Biên phòng Ngọc Lâm (đường vào sản xuất, thác mưa), Cầu thấp tại bản Tân Lâm (bản Kim Liên cũ), cầu thấp tại bản Mà (đường rẽ đi xã Thanh Sơn), cầu tại ngã 3 cổng chào, cầu Khe Sú, 2 cầu tràn phía ngoài bản Tân Tiến, cầu Nhạn Mai (Tân Ngọc).
Thủy điện xả nước, học sinh nghỉ học
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, gây ảnh hưởng giao thông và có nguy cơ ngập lụt một số khu vực. Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như cán bộ, giáo viên, các trường học đã chủ động cho giáo viên, học sinh nghỉ dạy và học. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, có gần 11.000 học sinh ở 24 trường từ mầm non đến THCS phải nghỉ học. Trong đó, bậc mầm non gần 4.000 em; tiểu học gần 4.500 em, THCS hơn 2.500 em.
Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống bão lũ; phân công lãnh đạo, chuyên viên phụ trách các cụm trường để kịp thời nắm bắt thông tin, triển khai nhiệm vụ và phối hợp xử lí các tình huống bất thường. Chỉ đạo các trường giữ liên lạc với phụ huynh để phối hợp quản lí, hỗ trợ học sinh, xử lí các tình huống bất thường.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn kéo dài biên độ lũ ở thượng lưu các sông có thể đạt từ 4-7m, hạ lưu sông La từ 1-3m, mực nước đỉnh lũ sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3, sông La ở mức báo động 1.
Hiện nay, tại một số xã ở vùng thấp trũng của các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê… nước lũ đã bắt đầu dâng lên, gây ngập cục bộ nhiều ngầm, cầu tràn và các tuyến đường liên thôn.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của mưa lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó. Trong đó chú trọng thực hiện phương án “4 tại chỗ”, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở khu vực trũng thấp và các khu đô thị. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông, nuôi trồng thủy sản, an toàn hồ đập và các công trình, dự án trọng điểm.
Tại huyện Hương Sơn, từ sáng 20/9, cầu tràn Phố Giang đã ngập. Lực lương Công an thị trấn Phố Châu và Công an xã Sơn Giang đã cắm biển cảnh báo, canh gác không để người và các phương tiện đi lại.
Mưa lớn khiến lưu lượng nước đổ về hồ tăng nhanh. Mực nước và dung tích một số hồ chứa lớn tính tới 7h ngày 20/9 như sau: hồ Ngàn Trươi cao trình 33,84/52 m, dung tích 210,85/775,7 triệu m3, đạt 27,18% dung tích thiết kế; hồ Kẻ Gỗ cao trình 20,52/32,5 m, dung tích 84,28/345 triệu m3, đạt 29,076% dung tích thiết kế; hồ Sông Rác cao trình 15,4/23,2 m, dung tích 33,32/124,5 triệu m3, đạt 26,76% dung tích thiết kế. Các hồ chứa còn lại dung tích mới chỉ đạt từ 40-70% dung tích thiết kế.
Từ 17h ngày 19/9, Thủy điện Hố Hô bắt đầu vận hành xả tràn với lưu lượng xả tràn 78 m3/giây, sau đó tăng lên 465 m3/giây và 581 m3/giây lúc 22h ngày 19/9. Lúc 7h ngày 20/9, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đang điều tiết nước qua tràn với lưu lượng 804 m3/giây. Tới 9h ngày 20/9, lưu lượng nước điều tiết qua tràn ở thủy điện Hố Hô giảm xuống 443 m3/giây.
Từ 13h30’ ngày 20/9, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn sẽ xả tràn điều tiết qua các cửa van đập tràn với lưu lượng từ 15,4 – 92 m3/giây; lưu lượng nước qua tổ máy phát điện 8,7 m3/giây. Đơn vị quản lý đang theo dõi sát tình hình lưu lượng nước đổ về hồ để chủ động triển khai các phương án vận hành an toàn phù hợp tùy tình hình thực tiễn cụ thể.