Ám ảnh thiên tai
Liên tục nhiều năm trở lại đây, các huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An đã xảy ra những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất với sức tàn phá mạnh, gây ra không ít thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung tại các địa phương này.
Theo số liệu từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 11 huyện nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đó là: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Từ năm 2007 đến nay, hầu như năm nào ở các huyện này đều xảy ra các đợt lũ ống, lũ quét và sạt lở đất cướp đi sinh mạng của người dân và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Điểm Trường mầm non Mai Sơn ở bản Phà Kháo bị nứt đất, có nguy cơ sạt lở cao |
Điển hình là sau đợt mưa lũ tháng 8,9/2018, huyện Kỳ Sơn là huyện có nhiều hộ dân ở trong tình trạng “báo động đỏ”, có nguy cơ lũ quét và đặc biệt là nguy cơ sạt lở đất nhất. Cụ thể tại xã Mỹ Lý có 99 hộ dân phải di dời, trong đó có 50 hộ di dời tập trung, 30 hộ di dời tại chỗ và 19 hộ di dời xen ghép. Tại xã Mường Típ có tới 5 bản với 260 hộ cần phải di dời, trong đó bản Xốp Phe 73 hộ với 351 nhân khẩu, bản Xốp Típ 30 hộ với 178 nhân khẩu, bản Na Mỳ có 58 hộ với 327 nhân khẩu, bản Huồi Khí có 38 hộ với 230 nhân khẩu, bản Vàng Pao có 66 hộ với 357 nhân khẩu. Tại bản Xốp Phong (xã Mường Ải) có 28 hộ với 181 nhân khẩu cần phải di dời khẩn cấp. Tại khối 4 (thị trấn Mường Xén) có 2 nhà bị sập và cuốn trôi, 11 nhà bị hư hại trên 70% nên hiện nay các hộ dân này cũng đã được di dời khẩn cấp.
Đặc biệt, nguy cấp nhất là tại bản Vàng Pao (xã Mường Típ) bởi theo khảo sát của đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Kỳ Sơn thì vết nứt ở quả núi nằm phía trên bản có chiều dài hơn 100m, có chỗ rộng tới 1,5m. Nhiều thời điểm nghi có tiếng nổ trong lòng núi, người dân không dám ngủ ở bản ban đêm mà phải đi ở nhờ, đây là khu vực cực kỳ nguy hiểm nên sau đó UBND huyện đã khuyến cáo người dân không ở lại ban đêm và phải di dời đi nơi khác nếu có mưa.
Nhiều hộ dân ở Mường Típ, huyện Kỳ Sơn sống chênh vênh bên bờ vực sạt lở |
Tại huyện Tương Dương, có 34 hộ dân thuộc hai bản Lạ và Minh Phương, xã Lượng Minh có nguy cơ bị sạt lở, sụt lún nhà cửa được UBND tỉnh Nghệ An đưa vào dự án “Di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất”.
Cũng tại huyện Tương Dương có 2 bản Phà Kháo và Piềng Cọc, xã Mai Sơn cũng đang có hiện tượng nứt đất. Cá biệt, có vết nứt kéo dài đến gần 1km chảy dài qua bản làng và 2 điểm trường học là Tiểu học và Mầm non Phà Kháo.
Cũng theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 22 dự án di dân cho vùng thiên tai, trong đó có hơn 10 dự án chủ yếu di dân vùng ven khe suối với tổng trị giá 755 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này chỉ mới giải ngân được 176,0 tỷ đồng nên nhiều công trình thiếu vốn đang bị “treo”. Hiện chỉ mới xây dựng được 7 dự án…
Chủ động “gỡ nguy”
Vào giữa tháng 5/2020, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án hai dự án tại xã Mường Típ (huyện Kỳ Sơn) với tổng mức đầu tư khống quá 22 tỷ đồng và xã Mai Sơn (huyện Tương Dương) với tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh Nghệ An đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dân tự do và di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới Việt – Lào, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn và dự án Di dời khẩn cấp 49 hộ dân bản Phà Kháo, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm.
Lũ quét tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong vào cuối năm 2007 |
Quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dân tự do và di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới Việt – Lào, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, do UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư.
Quy mô đầu tư của dự án bao gồm san lấp tạo mặt bằng khu tái định cư, diện tích khoảng 6 ha; Đường giao thông vào khu tái định cư, thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp C, dài khoảng 5,5km; Đường giao thông nội vùng, dài khoảng 2km (nền đường rộng 4m, mặt đường bê tông xi măng, rộng 3m); Hệ thống nước sinh hoạt tự chảy (đập dâng, bể chứa nước, đường ống dẫn nước dài khoảng 3.100 m); Xây dựng 2 phòng học trường mầm non, diện tích xây dựng khoảng 225,72 m2; 2 phòng học trường tiểu học, diện tích xây dựng khoảng 174,96 m2.
Các dự án chống sạt lở được triển khai khẩn trương |
Địa điểm thực hiện dự án tại xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Dự án triển khai trong 2 năm, dự kiến khởi công từ năm 2020. Tổng mức đầu tư dự án không quá 22 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 hỗ trợ thực hiện các dự án cấp bách và Ngân sách huyện Kỳ Sơn.
Dự án sẽ đáp ứng nơi ở mới cho 43 hộ dân vùng có nguy cơ cao sạt lở đất và 25 hộ dân di cư tự do tại bản Vàng Pao, xã Mường Típ, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định chỗ ở lâu dài cho người dân.
Tương tự, dự án Di dời khẩn cấp 49 hộ dân bản Phà Kháo, xã Mai Sơn (huyện Tương Dương) ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm. Theo đó, Dự án do UBND huyện Tương Dương làm chủ đầu tư với mục tiêu xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để đưa 49 hộ dân bản Phà Kháo, xã Mai Sơn ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định chỗ ở lâu dài cho người dân.
Dự án có quy mô diện tích 5 ha; có tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và bố trí vốn trong năm 2020 là 20 tỷ đồng; Ngân sách huyện Tương Dương là 1 tỷ đồng, dự kiến bố trí năm 2021.
Trước đó, ngày 20/9/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 1235/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư “Dự án khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đất tại khu vực khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn”. Chủ đầu tư của dự án được giao cho UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư.
Dựu án chống sạt lở tại Khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn được đầu tư 49 tỷ đồng đang dần hoàn thiện |
Tổng mức đầu tư của dự án là 48 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng (từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020 là 30 tỷ đồng và 5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khắc phục bão lụt); ngân sách tỉnh Nghệ An là 12 tỷ đồng và huyện Kỳ Sơn là 1 tỷ đồng. Hiện, dự án đang thi công và dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2020 để người dân sớm trở lại làm nhà, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, cho biết: “Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hàng năm có nhiều bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ với diễn biến thường rất phức tạp. Vì vậy, vấn đề phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các huyện vùng núi cao luôn được triển khai thường xuyên, kịp thời đến từng thôn, bản và hộ dân. Việc ưu tiên bố trí vốn để hỗ trợ cho các địa phương đầu tư sửa chữa, xây dựng các công trình đê, kè, tường chắn lũ, sạt lở; hoàn thành sớm kế hoạch di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo đời sống và sản xuất; hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra ở các huyện miền núi – nhất là các huyện vùng cao”.