Gượng dậy từ thương đau
Trở lại “miền đất lở” Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) giữa thời điểm năm cũ, năm mới giao hòa, đường đi đã bớt bùn lầy, cây cối cũng vững vàng hơn sau thời gian dài nghiêng ngả vì mưa bão. Những căn nhà ở khu tái định cư Trà Leng đã được dựng lên, dần trở thành hình hài của một bản làng mới. Làng mới, nhưng vẫn giữ tên cũ - Trà Leng, như một sự nhắc nhớ nỗi đau mà dân làng đã trải qua, để rồi từ đó biến thành động lực bước tiếp, thay cho những người đã khuất.
Còn nhớ, những ngày tháng 10/2020, khi Trà Leng hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên, nỗi mất mát quá lớn mà họ phải gánh chịu khiến cho cả nước phải quặn thắt. 10 người chết, 13 người mất tích, 11 người bị thương… Những con số vô hình nhưng lại là “vết cắt” sâu vào tâm thức mỗi người dân ở Trà Leng. Ngay sau vụ sạt lở xảy ra, nhiều tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước cùng hướng về chia sẻ khó khăn, chỉ mong sao bà con sớm vượt qua thương đau, bắt đầu một cuộc sống mới. Đặc biệt, trong thời gian này, tất cả lực lượng đều khẩn trương hoàn thành nhà mới để bà con đón Tết Nguyên đán ấm áp và bình yên.
Sạt lở ở Trà Leng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản |
Ông Hồ Văn Đề là một trong những điển hình của sự mất mát khi trong đợt thảm họa vừa qua, ông có đến 8 người thân bị vùi lấp dưới đống đất đá, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 3 thi thể được tìm thấy. Đứng gần căn nhà tái định cư, ông Đề kể với chúng tôi rằng, mấy hôm trước lãnh đạo tỉnh lên thăm bà con, ai nấy cũng thấy được an ủi phần nào. “Thời gian qua bà con chúng tôi được Nhà nước cùng nhiều người khắp nơi quan tâm, đến tặng quà, động viên. Giờ Nhà nước đang làm lại nhà cho tôi, mong là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ có nhà mới. Vui rồi, có nhà là vui rồi, không buồn nữa…”, ông Đề nói.
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, lẽ ra người cựu binh này sẽ được hưởng những tháng ngày hạnh phúc sau bao năm chinh chiến rồi khó nhọc nuôi dạy các con nên người, thì giờ đây, chính ông lại phải tự gượng dậy, viết nên trang mới của cuộc đời mình. Người Trà Leng giờ cũng như chính ông Đề vậy, một lão nông già vừa tỉnh lại sau những đêm đông tái tê với nỗi đau mất mát.
Hơn 2 tháng trải qua nỗi đau mất vợ là chị Hồ Thị Then và con gái Hồ Thị Ly, anh Hồ Văn Đồng đã gượng dậy để làm chỗ dựa cho các con. Ngày ngày, anh vẫn ra khu tái định cư để được chứng kiến sự nhộn nhịp, khẩn trương của tiếng cưa, tiếng máy đang dựng nhà, để được thấy sự hồi sinh của ngôi làng. “Buồn lắm chứ. Chỉ trong một buổi chiều mà người thân, tài sản mất hết. Nhưng giờ mình mà gục ngã thì hai đứa con còn lại biết dựa vào đâu nên phải gắng gượng thôi. Bây giờ mong sao khu tái định cư của mình xong và dọn vào ở” - anh Đồng tâm sự.
Chung tay ươm những mầm non
Những ngày trước và sau Tết ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng vẫn vang tiếng trống trường, rộn tiếng nô đùa. Nhìn về phía các em học sinh, thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Trà Leng cố giấu những giọt nước mắt chực tuôn trào. Thiên tai khắc nghiệt không chỉ cuốn trôi nhiều vật dụng dạy và học mà còn cướp đi sinh mạng 2 em học sinh của trường.
Nụ cười hồn nhiên của các em học sinh khối lớp 3 Trường PTDT bán trú Tiểu học Trà Leng |
“Sau trận sạt lở kinh hoàng, dân mất người thân, nhà cửa, tài sản nên chưa thể yên tâm cho con đến lớp. Thế là những thầy cô giáo phải chia nhau, mỗi tốp hai, ba người băng rừng, lội bùn bì bõm đến từng thôn vận động học sinh ra lớp với quyết tâm không để em nào phải bỏ học sau thảm họa” - thầy Ngọc kể.
Nghẹn lòng khi nhớ lại chuyện cũ, em Hồ Văn Đệ (lớp 9, Trường THCS Trà Leng) cho biết mình có ý định nghỉ học khi biết tin cha mẹ đã tử nạn trong vụ sạt lở. Cô giáo Hà Thị Phương Ly và Lê Thị Minh thường xuyên ở bên em. Hàng ngày, cô chở em từ điểm tạm trú về trường, động viên em rất nhiều, chẳng khác gì người thân. Đệ nói, quãng thời gian này em được các cô giáo động viên, chăm sóc đã giúp em vơi đi phần nào nỗi nhớ cha mẹ, an tâm ở lại trường học tập.
Hồi sinh xứ sở “ngọc quế”
Đau thương, rồi cũng dần nguôi ngoai. Giờ đây những con người còn lại của nóc ông Đề đang gượng dậy để bắt đầu một cuộc sống mới từ trong gian khó. Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, cùng với việc xây dựng Khu tái định cư cho bà con vùng sạt lở, đến thời điểm này, vấn đề nhà ở, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân cơ bản ổn. Hiện nay, hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh như điện, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa, đường giao thông liên thôn để bà con sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai cũng đang đi vào hoàn thiện. Việc còn lại là sinh kế lâu dài, giúp người dân Trà Leng tái thiết cuộc sống. Có rất nhiều phương án để tái thiết cuộc sống cho người dân nơi đây như hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng… nhưng loại cây chủ lực vẫn là cây quế.
Người dân Trà Leng vui mừng trước ngôi nhà mới |
Trà Leng trời rét lạnh khi đêm về, cái lạnh như được tuôn ra từ ruột núi, cái lạnh của những nỗi buồn thăm thẳm… Có lẽ, mùa đông là mùa người ta cảm thấy cô đơn nhất, để khi xuân về sẽ cảm nhận được trọn vẹn hơn sự sống đang hồi sinh. Ngồi bên bếp lửa, kể về những dự định của mình, ông Nguyễn Thành Sơn cho hay, dù 4 nương quế đã bị sạt lở nhiều nhưng ông vẫn quyết tâm ươm trồng lại. Với người dân Trà Leng, cây quế Trà My chính là nguồn sống và là cách tốt nhất để giữ núi. Không phải bình thường mà loại cây bản địa của vùng đất này được mệnh danh là “Cao sơn ngọc quế” xứ Quảng.
“Mất mát cũng đã đi qua, giờ buồn cũng không thể làm được gì nên mọi người cùng động viên nhau sống tiếp, cùng nhau làm ăn để có cuộc sống tốt hơn. Mong là đón một năm mới trong ngôi nhà mới và ở làng mới sẽ có nhiều điều may mắn đến với người Trà Leng” - ông Sơn chia sẻ.
Niềm vui của các em khi được nhận quà |
Quả vậy, những con người của miền rừng vốn rắn rỏi, kinh qua biết bao nhiêu khổ cực nơi đây vẫn chưa từng chấp nhận đầu hàng trước số phận nghiệt ngã. Người sống thì phải tiếp tục sống, phải cất lại quá khứ để hướng về tương lai. Trong gian khó, người Trà Leng luôn biết vươn lên và hướng tới những điều tốt đẹp. Đó không chỉ là bản năng sinh tồn mà còn là mơ ước của bao thế hệ người MNông ở Trà Leng.
Sự sống đang dần hồi sinh. Rừng cây đang dần xanh lá. Mùa xuân mới đã và đang về trên đất Trà Leng.